Vào năm 2016, một dự án trí tuệ nhân tạo (AI) có tên là AlphaGo được tạo ra từ phòng thí nghiệm DeepMind AI của Google đã làm nên lịch sử khi đánh bại một kỳ thủ vô địch cờ vây. Mới đây, ông Demis Hassabis, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành DeepMind, cho biết các kỹ sư của ông đang sử dụng các kỹ thuật từ AlphaGo để tạo ra một hệ thống AI có tên là Gemini.
Gemini được hứa hẹn có khả năng vượt trội hơn so với ChatGPT của OpenAI.
Theo báo cáo, Hassabis cho biết hệ thống Gemini sẽ kết hợp công nghệ LLM với các kỹ thuật học tăng cường được sử dụng trong AlphaGo, với mục tiêu mang lại cho nó khả năng lập kế hoạch và giải quyết vấn đề mới.
Nói về AlphaGo, đây là hệ thống trí tuệ nhân tạo dựa trên một kỹ thuật mà DeepMind là người tiên phong có tên là “học sâu”. Trong đó phần mềm học cách xử lý các vấn đề khó, đòi hỏi phải chọn hành động sẽ thực hiện như trong cờ vây hoặc trò chơi điện tử bằng cách thử lặp lại và nhận phản hồi về hiệu suất.
AlphaGo cũng sử dụng một phương pháp gọi là tìm kiếm để khám phá và ghi nhớ các nước đi có thể có trên bàn cờ. Việc trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện nhiều tác vụ hơn trên không gian mạng và trên máy tính được coi là một bước nhảy vọt trong ngành.
CEO Sundar Pichai cũng đã từng lưu ý trong một bài đăng trên blog rằng Gemini, “mô hình nền tảng thế hệ tiếp theo” của công ty, vẫn đang được đào tạo.
Ông viết: “Gemini được tạo ra từ đầu để trở thành đa phương thức, hiệu quả cao trong việc tích hợp công cụ, đồng thời được xây dựng để cho phép những đổi mới trong tương lai, như bộ nhớ và lập kế hoạch. Mặc dù vẫn còn sớm, nhưng chúng tôi đã thấy các khả năng đa phương thức ấn tượng chưa từng thấy ở các mẫu trước đó. Sau khi được tinh chỉnh và kiểm tra nghiêm ngặt về độ an toàn, Gemini sẽ có sẵn ở nhiều khả năng khác nhau.”
CEO Hassabis cho biết Gemini hiện đang ở trong quá trình phát triển và có lẽ sẽ mất ít nhất vài tháng để hoàn thiện, tiêu tốn hằng chục thậm chí cả trăm triệu USD. Các kỹ sư của DeepMind sẽ trang bị cho nó những công nghệ tiên tiến nhất.
Các hệ thống LLM hiện tại thường bị hạn chế ở khả năng học hỏi những thứ mới hay “thích nghi” với những vấn đề chiến lược phức tạp bởi vì chúng chỉ biết dựa trên các kỹ thuật tìm kiếm kiểu mẫu và xác suất thống kê để trả lời câu hỏi của người dùng. Theo nhiều chuyên gia đánh giá, cách tiếp cận này thực ra chẳng hề “thông minh” chút nào, mặc dù chúng ta có thể cảm thấy ấn tượng trước khả năng của những AI tạo sinh như ChatGPT, nhất là đối với người không cần phải chịu trách nhiệm về độ tin cậy hay tính chính xác.
DeepMind đang nỗ lực hoàn thiện công nghệ dựa trên phản hồi nhằm giúp cải thiện hiệu suất của các mô hình LLM và đem lại lợi thế cho Gemini. Hassabis khẳng định khoảng 80 – 90% những sáng tạo mà chúng ta đang chứng kiến với ChatGPT và các AI tạo sinh khác là thành quả đến từ DeepMind và Brain – những đơn vị thành viên của Google. Với Gemini, gã khổng lồ Google hy vọng có thể lại một lần nữa giành được ưu thế trong cuộc chạy đua AI.
Những tiến bộ nhanh chóng trong thời gian ngắn với các mô hình ngôn ngữ AI đã khiến nhiều chuyên gia, bao gồm cả một số người xây dựng thuật toán, lo lắng về việc liệu công nghệ này có bị sử dụng cho mục đích xấu hoặc trở nên khó kiểm soát hay không.
Một số người trong ngành công nghệ thậm chí đã kêu gọi tạm dừng việc phát triển các thuật toán mạnh hơn để tránh tạo ra thứ gì đó nguy hiểm.
Ông Hassabis cho biết những lợi ích tiềm năng phi thường của AI, chẳng hạn như khám phá khoa học trong các lĩnh vực sức khỏe hoặc khí hậu, là động lực khiến nhân loại không ngừng phát triển công nghệ này.
Ông cũng tin rằng việc tạm dừng nghiên cứu AI là không thực tế. “Nếu được thực hiện đúng cách, AI sẽ là công nghệ có lợi nhất cho nhân loại từ trước đến nay”, ông nói. “Chúng ta phải mạnh dạn và dũng cảm theo đuổi những điều đó”.
Lan Anh (t/h)