Sáng ngày 7/9, ông Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình, cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi kiểm tra công tác ứng trực và sẵn sàng ứng phó với diễn biến của cơn bão số 3 tại một số địa phương.
Tại cảng cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh và đoạn đê số 6 qua xã Đông Minh - nơi chưa có công trình giảm sóng phía ngoài, Phó Chủ tịch đã kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống, do có nguy cơ nước biển tràn đê khi bão đổ bộ.
Theo báo cáo nhanh của huyện Tiền Hải vào lúc 6 giờ sáng ngày 7/9, địa phương đã ghi nhận có gió mạnh và mưa.
Trước đó, 18 giờ ngày 6/7, huyện đã hoàn tất việc kêu gọi toàn bộ tàu thuyền, ngư dân và lao động trên biển, cũng như các hộ tại các chòi canh ngao và khu nuôi trồng thủy sản, trở về nơi trú bão an toàn. Đồng thời, huyện cũng tổ chức đưa những người dân sống trong nhà yếu, người già và neo đơn đến nơi trú ẩn kiên cố. Huyện đã duy trì chế độ trực 100% lực lượng và phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn để đôn đốc và chỉ đạo công tác ứng phó với bão. Đến 9 giờ sáng cùng ngày, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận thiệt hại nào do bão gây ra.
Cũng trong buổi sáng 7/9, ông Lại Văn Hoàn tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại huyện Thái Thụy.
Vào lúc 9h00 ngày 7/9: Vị trí tâm bão: Khoảng 20.5 độ Vĩ Bắc; 107.8 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất: Cấp 13-14 (134-166km/h), giật cấp 17.
Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20km/h. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 7, giật cấp 11. Móng Cái (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 8, giật cấp 9. Tại Trạm Khí Tượng Thái Bình đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9 (21,0m/s); Trạm Thủy văn Ba Lạt gió cấp 7, giật cấp 10 (26,2m/s); các nơi trong tỉnh đã có mưa với lượng phổ biến 10-20mm.
Cũng tại địa phương Thái Bình, vào chiều ngày 6/9, đoàn kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3, do ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) và Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) dẫn đầu, đã làm việc tại tỉnh Thái Bình. Tham gia đoàn còn có các đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Trưởng ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh; Đại tá Nguyễn Ngọc Tuệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành và địa phương.
Đoàn đã kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại Khu Công nghiệp Liên Hà Thái và khu neo đậu tàu thuyền tại Cảng cá Tân Sơn, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy). Tại khu công nghiệp, nhà đầu tư và doanh nghiệp đã triển khai các biện pháp phòng chống bão, chằng chống nhà xưởng và chuẩn bị phương án tiêu úng. Các doanh nghiệp sẽ hoạt động đến 18 giờ ngày 6/9 và tạm dừng sản xuất từ ngày 7/9, đồng thời chuẩn bị các phương án ứng phó để khôi phục hoạt động sau bão.
Tại cảng cá Tân Sơn, Bộ trưởng đã nghe báo cáo về công tác phòng chống bão số 3 của tỉnh. Tỉnh Thái Bình đang tích cực triển khai các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do bão, bao gồm việc ban hành văn bản và công điện chỉ đạo ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ".
Theo thống kê, tỉnh Thái Bình có 995 tàu, thuyền với 2.950 lao động hoạt động trên biển. Đến 17 giờ ngày 6/9, tất cả các phương tiện đã vào nơi neo đậu an toàn. Tỉnh có gần 2.900 lao động canh coi tại hơn 2.300 chòi canh ngao, ao, đầm, và 681 lồng bè trên sông, trong đó huyện Hưng Hà nhiều nhất với 275 lồng, huyện Quỳnh Phụ có 213 lồng; 1.129 bè nuôi hàu cửa sông. Các địa phương đang khẩn trương di dời người dân vào nơi an toàn và đã hoàn thành việc di dời trước 18 giờ ngày 6/9. Tỉnh cũng đã di dời 7.731 hộ với 18.639 người sống trong nhà yếu đến nơi an toàn.
Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của tỉnh trong công tác ứng phó với bão số 3. Ông nhấn mạnh bão rất mạnh và phức tạp, yêu cầu tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo ứng phó, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền, và không được chủ quan. Tỉnh cần chuẩn bị phương án tiêu úng, bảo vệ lúa và hoa màu, và sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh đã gieo cấy 74.327 ha lúa mùa, trong đó khoảng 26.000 ha đã trổ bông. Cây màu hè thu đã thu hoạch khoảng 5.000 ha. Tỉnh cũng chủ động tiêu úng để bảo vệ lúa mùa và hoa màu.
Phúc An