![]() |
Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Tactician, khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình. Nguồn ảnh thaibinh.gov.vn |
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Thái Bình sang thị trường Hoa Kỳ đạt hơn 571 triệu USD, chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Những ngành hàng chủ lực gồm giày da, may mặc, mỹ kim, trong đó nhiều doanh nghiệp ghi nhận tỷ trọng xuất khẩu lớn, điển hình như: Công ty TNHH TAV (May Việt Mỹ): 154,38 triệu USD (chiếm 27%); Công ty Tân Đệ: 83,49 triệu USD (15%); Công ty TNHH Công nghiệp Tactician: 8,82 triệu USD (1,5%).
Ngày 8/4, trước những điều chỉnh thuế nhập khẩu từ phía Hoa Kỳ đối với hàng hóa Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thái Bình do ông Nguyễn Tiến Thành – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – dẫn đầu, đã trực tiếp kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh tại một số doanh nghiệp tiêu biểu.
Tại Công ty TNHH TAV, Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết khoảng 80–90% sản phẩm may mặc của công ty hiện được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, phần còn lại phân phối sang châu Âu và Nhật Bản. Dù đối mặt với nguy cơ bị điều chỉnh thuế, công ty vẫn duy trì sản xuất ổn định và lên kế hoạch đảm bảo sản lượng đạt ít nhất 16 triệu sản phẩm trong năm 2024, đồng thời chuẩn bị các phương án hạn chế tác động đến cuối năm 2025. Về lâu dài, doanh nghiệp cũng đang tính đến việc mở rộng thị phần tại thị trường châu Âu nhằm giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ.
Đại diện TAV đánh giá cao môi trường đầu tư tại Thái Bình, cho rằng sự đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền địa phương là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp triển khai dự án hiệu quả và phát triển ổn định.
Tại Công ty Tactician (KCN Phúc Khánh), chuyên sản xuất linh kiện và sản phẩm kim loại gia dụng với sản lượng khoảng 3.700 tấn/năm, 100% sản phẩm được xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Trước khả năng bị áp thuế, công ty đã nhanh chóng gửi thư trao đổi với đối tác, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất – kinh doanh linh hoạt, phù hợp với kịch bản mới.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tiến Thành đánh giá cao tinh thần chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược ứng phó với biến động chính sách thương mại quốc tế. Ông Thành nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần tiếp tục xây dựng kịch bản dự phòng cho những tình huống xấu nhất, đồng thời tăng cường đổi mới quản trị, tìm kiếm thị trường mới, đảm bảo duy trì sản xuất, việc làm và thu nhập cho người lao động.
Lãnh đạo tỉnh khẳng định: Chính quyền Thái Bình luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, cam kết hỗ trợ tối đa và tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Trưa 9/4 (giờ Việt Nam), lệnh áp thuế đối ứng của Mỹ với cả thế giới chính thức có hiệu lực, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump không đưa bất kỳ mức giảm nào và cũng không có ngoại lệ. Các cuộc đàm phán vẫn đang để ngỏ phía trước, trong khi Việt Nam là một trong những nước chịu áp thuế ở mức cao với 46%, đặt ra nhiều thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh, tái cấu trúc hoạt động để giảm bớt thiệt hại từ việc áp thuế. |