Với vị trí địa lý chiến lược, Tây Ninh sở hữu đường biên giới dài hơn 240km tiếp giáp Campuchia, đồng thời có hai cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát, tạo thuận lợi cho giao thương, xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư.
Cải cách hành chính, thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp
Với quyết tâm cải cách hành chính, Tây Ninh đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.
![]() |
Khu công nghiệp Phước Đông- điểm sáng thu hút đầu tư của tỉnh Tây Ninh. |
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Kiều Công Minh, cho biết, Sở đã tiến hành ra soát các quy định và trình UBND tỉnh ban hành phương án đơn giản hoá các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết. Các thủ tục liên quan đến hợp tác đầu tư đã được rút ngắn từ 35 ngày xuống 30 ngày, nhiều quy trình được tinh giản. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Từ đầu năm 2023, Sở đã thí điểm tiếp nhận và giải quyết thủ tục trực tuyến thay vì nhận trực tiếp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh kiểm tra công vụ tại các cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao trách nhiệm và kỷ luật hành chính. Nhờ những nỗ lực này, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tây Ninh năm 2023 tăng 35 bậc so với năm 2022, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số tăng trưởng xanh (PGI) xếp thứ 6/63 tỉnh, thành.
Tính đến nay, Tây Ninh có 397 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 10,3 tỷ USD. Riêng tháng 1/2025, tỉnh đã cấp mới 3 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 101 triệu USD. Trong nước, có 717 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn 140.666 tỷ đồng. Hiện tỉnh có 8.831 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng vốn 207.709 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Hồng Thanh, nhấn mạnh rằng, tỉnh đang thực hiện các chính sách thu hút đầu tư theo hướng bền vững, tập trung vào các ngành công nghiệp xanh, công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Ông Thanh khẳng định, việc cải thiện môi trường đầu tư là ưu tiên hàng đầu, giúp doanh nghiệp an tâm sản xuất và phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt mục tiêu thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn, đồng thời hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư trong việc tiếp cận đất đai, thông tin quy hoạch và các chính sách ưu đãi. Tỉnh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 vượt 2% mức Chính phủ giao
Tây Ninh đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế 10% trong năm 2025, vượt 2% so với chỉ tiêu Chính phủ giao, tạo nền tảng phát triển bền vững giai đoạn 2026-2030.
HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, Kỳ họp thứ 17 vừa thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 197/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 trước đó. Trong đó, xác định, năm 2025 sẽ tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10%, tạo tiền đề, động lực cho tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 đạt hai con số qua các năm.
![]() |
Tây Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2025. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Tây Ninh). |
Nghị quyết HĐND tỉnh Tây Ninh đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể cho phát triển. Trong đó, về kinh tế, tỉnh sẽ phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP theo giá so sánh 2010) đạt 10%. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 4.620 đô la Mỹ. Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP (giá hiện hành - chưa tính thuế sản phẩm) với công nghiệp - xây dựng đạt 46 - 47%; Nông - lâm - thủy sản 18 - 19%; Dịch vụ 30 - 31%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 37%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 13.158 tỷ đồng. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn bằng 36% GRDP. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16%. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa từ 50% trở lên…
Trong năm 2025, Tây Ninh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm. Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chú trọng đào tạo nhân lực các ngành, lĩnh vực trọng điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của nhân dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Với chiến lược đúng đắn và sự quyết tâm của chính quyền, Tây Ninh đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế trong khu vực.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh, các chính sách thu hút đầu tư và cải cách hành chính của tỉnh đã tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng với các nguồn lực và cơ hội đầu tư. Doanh nghiệp đánh giá cao sự hỗ trợ của tỉnh trong việc đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, tín dụng và chính sách thuế. |