Dự án Nhà máy Thủy điện Nậm Pạc 1&2 do Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Thủy điện - đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Kosy làm chủ đầu tư. Nhà máy có tổng công suất lắp máy 34 MW, với tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng, được xây dựng trên địa bàn các xã Nậm Xe và xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Với sản lượng điện trung bình khoảng 150 triệu kWh/năm, khi đi vào vận hành nhà máy Thủy điện Nậm Pạc giúp bổ sung nguồn điện thiếu hụt cho miền Bắc và đáp ứng nhu cầu phụ tải điện của tỉnh Lai Châu, từ đó đóng góp vào ngân sách địa phương hàng chục tỷ đồng mỗi năm, mang lại việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hàng trăm công nhân, kỹ sư là đồng bào địa phương.
Sau khi nhà máy Thủy điện Nậm Pạc 2 (công suất 18 MW) hòa lưới điện quốc gia vào ngày 1/12/2021, Tập đoàn Kosy tiếp tục hoàn thiện và đưa vào vận hành nhà máy Thủy điện Nậm Pạc 1 (công suất 16 MW). Nhà máy sử dụng turbine Franciss, bao gồm 4 tổ máy với 2 tổ máy trục đứng, công suất 9 MW/tổ và 2 tổ máy trục ngang, công suất 8 MW/tổ và là cụm nhà máy được thiết kế xây dựng theo dạng thủy điện đường dẫn với quy mô xây dựng bao gồm 4 con đập dâng nước, loại đập bê tông cốt thép trọng lực với chiều cao lớn nhất là 25 m, chịu được động đất cấp 7. Hệ thống có đường kênh chuyển nước dài 500 m, dẫn nước bằng 7 km đường hầm, gia cố bê tông cốt thép vĩnh cửu kết hợp với các đoạn chuyển nước hở bên ngoài là các đường ống thép chịu được áp lực cao, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho dân cư sinh sống ở vùng hạ du.
Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: “Nhà máy Thủy điện Nậm Pạc 1&2 là một dự án thủy điện tiêu biểu của tỉnh Lai Châu, đáp ứng nhu cầu phụ tải điện của tỉnh, góp phần vào việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân bản địa và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.”
Trong hơn 2 năm thi công, dự án đã mang lại việc làm cho hơn 350 lao động thường xuyên tại địa bàn. Sau khi đi vào vận hành, hơn 50 lao động có tay nghề là người dân địa phương được chủ đầu tư đào tạo bài bản sẽ gắn bó và phục vụ lâu dài cho nhà máy, với mức lương ổn định, góp phần nâng cao mức thu nhập của lao động trong khu vực.
Để phục vụ công tác vận chuyển và lắp đặt, công trình Thủy điện Nậm Pạc đã nâng cấp đường sá, cầu cống trong khu vực khi cải tạo 19 km đường liên xã; 6 km đường liên bản tính từ thị trấn Mường So đi xã Nậm Xe và xã Sin Súi Hồ và làm mới 11 km đường vào nhà máy. Hệ thống đường xung quanh nhà máy Thủy điện Nậm Pạc đều được nâng cấp, 3 khu vực trước đây phải lội qua suối, nay đã được xây ngầm tràn, cống bằng bê tông vững chắc, đi lại thuận tiện, tránh nguy hiểm cho người dân và các phương tiện khi di chuyển qua suối trong mỗi mùa mưa lũ hằng năm.
Mặt khác, khi đi vào vận hành, nhà máy Thủy điện Nậm Pạc sẽ tạo ra một diện tích mặt hồ rộng khoảng 18 ha. Đây là yếu tố thuận lợi, tạo điều kiện để hình thành và phát triển các cơ sở nuôi cá nước lạnh có hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Từ đó mở ra hướng đi mới trong việc phát triển nuôi cá lồng bè trên các hồ thủy điện, để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Ngoài ra, hệ thống các đập ngăn nước hàng năm từ hồ chứa nước này của nhà máy Thủy điện Nậm Pạc sẽ cung cấp một lượng nước đáng kể cho nhu cầu sử dụng nước phục vụ nông nghiệp, thủy lợi, bổ sung nước tưới cho hàng chục ha lúa mùa của xã Sin Súi Hồ, xã Nậm Xe, cấp nước sinh hoạt cho đời sống người dân trong vùng.
Nhìn lại hành trình đầy thách thức của người làm thủy điện giữa đại ngàn, từ khâu tìm kiếm vị trí xây dựng dự án, lập phương án, đưa ra giải pháp công trình cho đến những ngày khảo sát địa thế, những người đi tìm nguồn nước cho Thủy điện Nậm Pạc không thể quên được những chuyến vượt suối băng rừng, chân đi dép tổ ong, đầu đội nón tai bèo, ròng rã cả ngày giữa núi rừng trùng điệp, sinh hoạt với điều kiện nhiều thiếu thốn,…để xác định tọa độ chính xác cho dự án. Chưa kể, muôn vàn khó khăn và thách thức từ dịch bệnh khiến các chuyên gia nước ngoài không thể đến công trình theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, không vì lẽ đó làm giảm được tinh thần và quyết tâm của Ban QLDA cùng toàn thể các kỹ sư, công nhân công trình.
Ông Nguyễn Đức Doanh, Phó Tổng Giám đốc Kosy Group cho biết: “Tập đoàn Kosy cùng Ban QLDA Thủy điện Nậm Pạc và các nhà thầu vượt qua nhiều khó khăn do dịch bệnh và thời tiết, nỗ lực ngày đêm, linh hoạt ứng phó với tình hình thực tế, đề ra nhiều giải pháp thi công phù hợp, đưa dự án về đích. Dự án hoàn thành và phát điện thương mại đã khẳng định năng lực triển khai của Kosy Group trong lĩnh vực thủy điện bên cạnh việc triển khai thành công các dự án điện gió và bất động sản khác.”
Tập đoàn Kosy - chủ đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Nậm Pạc được biết đến là một nhà phát triển đô thị và năng lượng tái tạo tại nhiều tỉnh thành. Cũng trong lĩnh vực thủy điện, tháng 5/2021, Tập đoàn Kosy đã khởi công xây dựng dự án thủy điện Pa Vây Sử (50,5 MW) tại Phong Thổ, Lai Châu và dự án thủy điện Mường Tùng (32 MW) tại Mường Chà, Điện Biên. Hai dự án có tổng mức đầu tư 2.800 tỷ đồng, sẽ hoàn thành, phát điện, hòa lưới điện quốc gia trước ngày 30/9/2023. Mục tiêu tới năm 2025, mỗi năm Tập đoàn Kosy sẽ khởi công mới một số dự án thủy điện có công suất từ 80 - 100 MW. Bên cạnh đó, Kosy cũng đang chuẩn bị kế hoạch để triển khai một số dự án thủy điện tích năng có công suất lớn, mỗi dự án trên 1.000 MW.
Ngoài ra, Kosy Group cũng đang đầu tư phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời... Ngày 30/10, Tập đoàn Kosy chính thức đưa nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1 (40,5 MW) vào vận hành, hòa lưới điện quốc gia.
Trong lĩnh vực bất động sản, mục tiêu năm 2022 và các năm tiếp theo, Tập đoàn Kosy sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất, khởi công nhiều dự án quy mô lên đến hàng trăm ha tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.
PV