Theo các chuyên gia tại VPBankS, lợi nhuận của các công ty niêm yết vào năm 2025 được kỳ vọng tăng trên 20%, thậm chí có thể đạt 25%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này còn phụ thuộc vào chính sách thuế của Mỹ và tốc độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và Cổ phiếu tại VPBankS Research, đã chỉ ra 8 ngành có tiềm năng tăng trưởng trong năm tới.
Đầu tiên, nhóm ngân hàng dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế toàn ngành trong năm nay khoảng 16% và có thể đạt mức 18% vào năm 2025.
Ngành chứng khoán được kỳ vọng sẽ bứt phá nhờ sự mở rộng quy mô và tăng trưởng mạnh mẽ của lợi nhuận dịch vụ. Dự báo, lợi nhuận toàn ngành có thể đạt 26.600 tỷ đồng vào năm 2025, tăng 15% so với năm trước.
Ngành thép dẫn đầu nhóm ngành được kỳ vọng tăng trưởng mạnh năm 2025 |
Ngành bất động sản khu công nghiệp (KCN) được đánh giá cao nhờ chìa khóa nằm ở nguồn cung. Trong 9 tháng đầu năm 2024, khu vực phía Nam không có nguồn cung mới, trong khi phía Bắc ghi nhận 330 ha tại Hưng Yên với giá thuê tăng 17%, vượt mức bình quân 6%. Khi nhu cầu luôn hiện hữu, sự xuất hiện của nguồn cung mới sẽ thúc đẩy thị trường phát triển.
Dòng vốn FDI tích lũy năm 2024 đạt khoảng 21-22 tỷ USD trong 11 tháng, chủ yếu dành cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 80% nhu cầu thuê đất KCN). Xu hướng Trung Quốc +1 và chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng tiếp tục tạo động lực cho lĩnh vực này. Năm 2025, các ngành thu hút FDI chủ lực ở phía Bắc bao gồm điện tử và linh kiện điện tử, trong khi phía Nam tập trung vào sản phẩm từ cao su, nhựa, FMCG, vật liệu xây dựng, và dệt may. Với quyết định 227 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn cung bất động sản KCN giai đoạn 2024-2026 sẽ được bổ sung đáng kể, tập trung vào Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Bình Phước. Lợi nhuận ngành KCN được dự báo tăng trưởng 30% vào năm 2025, với nguồn cung mới được đưa ra trong nửa đầu năm.
Ngược lại, nhóm bất động sản dân cư dự kiến sẽ phân hóa mạnh mẽ, với lợi nhuận chỉ tăng khoảng 4%. Nguồn cung dự báo dao động 27.000 căn, chủ yếu từ nhà riêng lẻ và chung cư có sẵn, với khoảng 10.000 căn tồn kho sẵn sàng để bán. Yếu tố hỗ trợ hấp thụ thị trường bao gồm lãi suất thế chấp duy trì ở mức thấp và tín dụng tiêu dùng phục hồi, tạo điều kiện để nhu cầu mua nhà tăng trưởng. Tuy nhiên, các chuyên gia không kỳ vọng bất động sản dân cư sẽ bứt phá trong năm tới, bất chấp áp lực đáo hạn trái phiếu đáng kể trong ngành.
Ngành thép được đánh giá có tiềm năng lớn nhờ sự phục hồi biên lợi nhuận khi giá thép tăng trở lại. Lợi nhuận toàn ngành có thể tăng trên 90% trong năm 2025, ước đạt khoảng 19.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản và chính sách bảo hộ thương mại vẫn là những thách thức lớn.
Ngành bán lẻ, sau giai đoạn tái cấu trúc vào năm 2024, được kỳ vọng tăng trưởng ổn định và đạt mức tăng lợi nhuận khoảng 16% trong năm 2025. Các xu hướng chính bao gồm sự phát triển của mô hình bán lẻ hiện đại, quá trình tái cơ cấu ngành ICT, sự phục hồi biên lợi nhuận của mảng vàng trang sức, và tăng trưởng tích cực của chuỗi bán lẻ dược phẩm.
Ngành dầu khí, dù chịu nhiều thách thức từ thị trường quốc tế, vẫn được dự báo đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 21% vào năm 2025, nhờ vào động lực nội tại. Tuy nhiên, giá dầu Brent dự kiến dao động trong khoảng 74-80 USD, với sức ép giảm giá do chính sách năng lượng của Mỹ và sự gia tăng nguồn cung từ Bắc Mỹ.
Cuối cùng, ngành cảng biển đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt nhưng vẫn có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận khoảng 10% vào năm 2025. Giá tàu và giá cước vận tải duy trì ở mức cao, gấp rưỡi so với trước thời điểm xảy ra căng thẳng trên Biển Đỏ. Lượng container tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, tạo cơ hội lớn cho cảng nước sâu, đặc biệt khi các liên minh hãng tàu thay đổi vào tháng 2/2025.