![]() |
Thách thức từ bên ngoài, áp lực từ bên trong
Ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng từ 10-50% đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó hàng hóa từ Việt Nam chịu mức thuế cao, lên tới 46%. Dù chính sách này được tạm hoãn 90 ngày, những rủi ro thương mại toàn cầu vẫn đặt ra yêu cầu cấp thiết: củng cố nội lực thị trường trong nước và giảm dần sự phụ thuộc vào xuất khẩu.
Chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước", ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, trong đó tiêu dùng nội địa chiếm từ 60-65% đóng góp.
Để đạt được mục tiêu này, mức tiêu dùng trung bình của người dân và doanh nghiệp cần tăng khoảng 1,5 lần so với năm trước — một thách thức lớn khi thu nhập chưa tăng trưởng tương xứng. "Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9%. Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng là 12%, đòi hỏi nỗ lực gấp bội từ cả khu vực doanh nghiệp và người tiêu dùng," ông Tuấn phân tích.
Kích cầu tiêu dùng nội địa: Giải pháp then chốt
Để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, ông Tuấn nhấn mạnh loạt giải pháp như: hỗ trợ doanh nghiệp thông qua tín dụng ưu đãi, tập trung vào sản xuất hàng hóa thiết yếu và có tỷ lệ nội địa hóa cao; phát triển hạ tầng thương mại hiện đại; thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao năng lực chuỗi cung ứng.
Theo PGS.TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cần có các chính sách tài khóa linh hoạt, trong đó đề xuất giảm thuế dựa trên kết quả kinh doanh. Cụ thể, nếu một doanh nghiệp nộp thuế 100 tỷ đồng trong năm 2025 và tăng lên 150 tỷ đồng vào năm sau, thì phần chênh lệch 50 tỷ đồng sẽ được ưu đãi giảm thuế. "Chỉ khi doanh nghiệp được hỗ trợ, mới có thêm việc làm, người lao động có thu nhập, từ đó thúc đẩy tiêu dùng," ông Thành nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, Việt Nam cần tái cơ cấu mô hình phát triển, với trọng tâm là thị trường nội địa. Dữ liệu cho thấy, khu vực tư nhân đóng góp 51% vào GDP, trong khi khu vực FDI chiếm 20-22%. Tuy nhiên, xuất khẩu từ doanh nghiệp nội địa chỉ chiếm 25-27% tổng kim ngạch xuất khẩu, còn doanh nghiệp FDI chiếm trên 70%. "Tương lai của doanh nghiệp Việt Nam nằm ở khả năng khai thác hiệu quả thị trường trong nước," ông Thiên nhận định.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, lưu thông thị trường nội địa còn chậm, cần phân tích kỹ tác động của chính sách thuế quan Mỹ đối với các ngành nghề trong nước để xây dựng chiến lược ứng phó phù hợp.
Ổn định vĩ mô và cải cách thể chế
Ông Võ Trí Thành lưu ý thêm, ngoài chính sách tài khóa linh hoạt, việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tiêu dùng. Nếu lạm phát tăng nhanh hơn thu nhập danh nghĩa, mọi nỗ lực kích cầu sẽ khó đạt hiệu quả.
Ở góc độ khác, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng với dân số 100 triệu người, Việt Nam là thị trường hấp dẫn không chỉ cho doanh nghiệp nội địa mà còn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Ông khuyến nghị cần đổi mới thể chế, hoàn thiện luật pháp và chính sách thị trường; đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược trung và dài hạn dựa trên nghiên cứu thị trường và dự báo xu hướng.
Bên cạnh đó, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu sẽ góp phần hình thành những doanh nghiệp có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao trên trường quốc tế.