Tăng trưởng kinh tế tỉnh Hà Nam xếp thứ 4 toàn quốc

11:19 10/07/2024

Nửa năm đầu 2024, GRDP tỉnh Hà Nam đứng thứ nhất trong khu vực đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 4 toàn quốc. Trong đó, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu tăng khá; hoạt động du lịch đạt kết quả tốt; lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến...

Theo Cục Thống kê tỉnh Hà Nam, 6 tháng đầu năm 2024, GRDP của tỉnh theo giá so sánh 2010 ước đạt 26.891 tỷ đồng, tăng 10,35% so với cùng kỳ năm 2023.

Khu vực công nghiệp, xây dựng ước đạt 17.443,9 tỷ đồng, tăng 13,26% so với cùng kỳ; riêng khu vực công nghiệp ước đạt 15.491,2 tỷ đồng, tăng 14,82% so với cùng kỳ năm 2023.

Khu vực dịch vụ ước đạt 5.693,6 tỷ đồng, tăng 7,22% so cùng kỳ, đóng góp 15,2%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ước đạt 2.131,3 tỷ đồng, tăng 1,06% so cùng kỳ, đóng góp 0,9%.

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 1.622,2 tỷ đồng, tăng 4,75% so cùng kỳ, đóng góp 2,9% vào mức tăng chung.

Ảnh minh họa
Biểu đồ thể hiện GRDP tỉnh Hà Nam

Đánh giá kết quả tăng trưởng GRDP của tỉnh Hà Nam trong 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển tương đối ổn định, các hoạt động sản xuất diễn ra thuận lợi, chăn nuôi ít biến động, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt.

Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 1,11% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,84% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành thủy sản tăng 0,68%, đóng góp 0,1%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 14,82% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 81,7% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,46%, đóng góp 79,81%; ngành khai khoáng tăng 4,52%, đóng góp 1,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,02%, đóng góp 0,25%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,85%, đóng góp 0,43%. Ngành xây dựng tăng 2,24%, đóng góp 1,75% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Bên cạnh đó, sự phục hồi tích cực của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã tác động tích cực đến sự phát triển của khu vực dịch vụ.

Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 7,22% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 15,7% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 7,82%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 64,54%; khu vực dịch vụ chiếm 21,71%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,93%.

Về tốc độ tăng trưởng GRDP trong 6 tháng đầu năm so với các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng và so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tỉnh Hà Nam đạt mức tăng trưởng đứng thứ 1 trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng và đứng thứ 4 toàn quốc.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác 6 tháng đầu năm cũng còn một số hạn chế. Trong đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số cấp ủy, địa phương, đơn vị hiệu quả chưa cao; việc tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện một số dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hiệu quả chưa cao; 5 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt 50% kế hoạch năm; tội phạm về trật tự xã hội có chiều hướng gia tăng…

Ảnh minh họa
Tỉnh Hà Nam tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh...(Ảnh minh họa).

Về những định hướng, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm của tỉnh Hà Nam thời gian tới, trọng tâm là giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; giải ngân vốn đầu tư công; xúc tiến kêu gọi đầu tư, tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể có thế mạnh của địa phương; đa dạng hóa các hình thức thu hút vốn đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án hoạt động hiệu quả. Đẩy mạnh việc phát triển thương mại điện tử thông qua khuyến khích thiết lập các website, ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ. Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp, quan tâm phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao… Đồng thời làm rõ hơn một số vấn đề: Quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế; các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đặt ra; tình hình thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp…

P.V