Tài sản ông chủ Temu liên tục "bốc hơi" dù nền tảng tạo ra cơn sốt tại nhiều thị trường. |
Theo danh sách tỷ phú được Viện nghiên cứu Hồ Nhuận (Hurun) công bố hôm 29/10, ông chủ của TikTok Zhang Yiming lần đầu tiên trở thành người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản cá nhân đạt 49,3 tỷ USD. Trong khi đó, nhà sáng lập Tencent, Pony Ma, đứng ở vị trí thứ 3.
Cũng theo bảng xếp hạng này, ông Colin Huang, nhà sáng lập PDD Holdings - công ty mẹ của Pinduoduo (Trung Quốc) và Temu (phiên bản quốc tế) - lại tiếp tục rớt thêm 1 bậc, xuống vị trí thứ 4 với khối tài sản 34,5 tỷ USD.
Còn theo Forbes, tính đến ngày 29/10, khối tài sản của ông Colin Huang vào khoảng 44 tỷ USD, xếp sau Zhong Shanshan (49 tỷ USD), Pony Ma (45,8 tỷ USD), và Zhang Yiming (45,6 tỷ USD) trong danh sách những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc hiện nay.Đầu tháng 8, ông chủ Temu từng là người giàu nhất Trung Quốc, nhưng Forbes ước tính tài sản của ông đã "bốc hơi" gần 15 tỷ USD ngay trong tháng 8, từ 50 tỷ USD xuống còn 35,2 tỷ USD.
Tài sản của Colin Huang tiếp tục tụt giảm cho dù PDD Holdings - công ty sở hữu trang mua sắm Temu làm mưa gió ở thị trường Mỹ, châu Âu và cả châu Á trong hơn năm qua và ứng dụng bán lẻ Pinduoduo cũng bứt phá tại Trung Quốc. Pinduoduo cũng đã vượt qua Alibaba của Jack Ma.
Không giống như Jack Ma, người xuất thân từ nghề giáo, Colin Huang là biểu tượng cho thế hệ doanh nhân công nghệ mới của Trung Quốc, những người bắt đầu sự nghiệp với cơ hội quốc tế rộng mở.
Năm 12 tuổi, tài năng toán học của Colin Huang đã giúp ông được nhận vào Trường Ngoại ngữ Hàng Châu danh tiếng, nơi quy tụ con cái của giới tinh hoa chính trị và xã hội Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Chiết Giang, Colin Huang đã sang Mỹ năm 2002 để theo học thạc sĩ tại Đại học Wisconsin.
Sau khi hoàn thành chương trình, Colin Huang quay về Trung Quốc vào năm 2004 để tham gia xây dựng Google China. Năm 2007, ông sáng lập công ty đầu tiên và bán nó vào năm 2010 để khởi nghiệp trong lĩnh vực tiếp thị trên các nền tảng như Taobao hay JD.com.
Năm 2013, sau khi bị nhiễm trùng tai và nghỉ ngơi dài hạn, ông nảy ra ý tưởng thành lập Pinduoduo, nền tảng nổi tiếng với việc bán các sản phẩm giá rẻ cùng các chương trình khuyến mãi lớn.
Vào đầu năm 2021, tài sản ròng của Colin Huang đã từng đạt mức 71,5 tỷ USD nhưng cũng sụt giảm nhanh chóng sau đó khi cổ phiếu PDD mất gần 90%. Tuy vậy, PDD Holdings của Colin Huang đã hồi phục mạnh mẽ với chiến lược tấn công thị trường quốc tế thông qua phiên bản quốc tế Temu, được hậu thuẫn bởi tập đoàn công nghệ Tencent Holdings.
Temu đã áp dụng mô hình M2C (nhà sản xuất đến người tiêu dùng), loại bỏ các khâu trung gian truyền thống như nhà nhập khẩu và nhà phân phối, qua đó giảm các chi phí trung gian.
Temu đã tấn công không chỉ vào Mỹ và châu Âu mà còn Canada, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Indonesia...
Các sản phẩm giá rẻ của PDD được nhập khẩu từ Trung Quốc ngay lập tức hút khách. Temu trở thành một "cỗ máy in tiền" cho PDD.
Tuy nhiên, gần đây, các ông lớn Trung Quốc khác như Alibaba, TikTok của ByteDance cũng tập trung mạnh vào mảng hàng hóa giá thấp. Mức độ cạnh tranh tăng lên rất nhiều. Đây cũng chính là yếu tố khiến triển vọng PDD không còn quá tươi sáng, giá cổ phiếu khó trở về mức cao như trước đó.
Bên cạnh đó, trên thế giới, Temu cũng gặp không ít thách thức khi đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý tại Mỹ, EU và nhiều nước khác, liên quan tới việc quản lý thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giá rẻ mua trực tuyến...
Temu đã bị cáo buộc lợi dụng lỗ hổng thương mại để đưa hàng hóa miễn thuế trị giá hàng tỷ USD vào các nước thông qua các kiện hàng nhỏ trực tiếp từ Trung Quốc.
Ngoài ra, truyền thông quốc tế cũng chỉ trích Temu về việc phá giá để chiếm lĩnh thị trường, và nhiều quốc gia đang đề xuất áp dụng các biện pháp thuế quan để ngăn chặn.
Riêng tại Việt Nam, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc mới đây đã khẳng định, Chính phủ sẽ bãi bỏ quyết định về việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee hay Temu.