Bài liên quan |
VASEP: Các thị trường lớn thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam 2025 |
Những "điểm đến" đầy hứa hẹn cho thủy sản Việt Nam 2025 |
Bất ổn thương mại toàn cầu đang tạo ra những biến động đáng kể đối với ngành thủy sản Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có nguy cơ chịu tác động lớn từ những chính sách thương mại mới của chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội gia tăng thị phần tại Mỹ và các thị trường khác.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, nhiều doanh nghiệp Mỹ có xu hướng tìm kiếm nguồn cung thủy sản thay thế Trung Quốc. Điều này có thể tạo ra cơ hội cho Việt Nam khi Mỹ tìm kiếm đối tác gia công chế biến thủy sản để duy trì chuỗi cung ứng. Ngoài Mỹ, các thị trường như Nhật Bản và Canada cũng có thể tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định.
![]() |
Sức ép thuế quan từ Mỹ, cơ hội nào cho thủy sản Việt Nam? |
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP, nhấn mạnh rằng cơ hội mở rộng thị phần đi kèm với yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Việc tuân thủ chặt chẽ các quy định về xuất xứ và minh bạch trong chuỗi cung ứng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh và uy tín trên thị trường quốc tế.
Hiện nay, Mỹ nhập khẩu các sản phẩm cá phi lê tươi/đông lạnh với tổng giá trị từ 1 - 1,4 tỷ USD mỗi năm, chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản. Trong nhóm này, cá rô phi của Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tuy nhiên, với mức thuế bổ sung 10% mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc, giá cá rô phi có thể tăng, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Điều này mở ra cơ hội cho cá tra Việt Nam chiếm lĩnh thị phần bị thu hẹp của cá rô phi.
Ngược lại, việc Trung Quốc có thể áp dụng biện pháp trả đũa lên hàng thủy sản nhập khẩu từ Mỹ cũng tạo ra những thay đổi trong dòng chảy thương mại. Các mặt hàng như cá hồi, cá tuyết, cá minh thái, tôm hùm, cua huỳnh đế từ Mỹ - vốn phục vụ phân khúc nhà hàng, khách sạn cao cấp tại Trung Quốc - có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong xuất khẩu thủy sản tươi sống sang Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng như cua, ngao, tôm hùm và ốc. Với nhu cầu ngày càng tăng từ phân khúc cao cấp tại Trung Quốc và nguồn cung giảm từ Mỹ, thủy sản Việt Nam có cơ hội mở rộng mạnh mẽ tại thị trường này trong năm 2025.
Mỹ hiện chiếm 70% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Canada, với kim ngạch dao động từ 3,5 - 5 tỷ USD/năm. Việc Mỹ áp thuế 25% lên hàng hóa Canada sẽ làm giảm xuất khẩu thủy sản của nước này vào Mỹ, buộc Canada phải tìm kiếm thị trường thay thế. Việt Nam có thể trở thành đối tác nhập khẩu và gia công chế biến các sản phẩm như cá tuyết, cua tuyết, tôm hùm, và một số loại cá biển của Canada.
Bên cạnh cơ hội, điều này cũng đặt ra thách thức đối với thị trường trong nước. Canada có thể gia tăng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc - một đối tác thương mại lớn, gây áp lực cạnh tranh lên sản phẩm thủy sản cao cấp của Việt Nam tại đây. Đồng thời, việc Canada phải tiêu thụ nội địa nhiều hơn để bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu sang Mỹ cũng có thể làm giảm nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam.
Bối cảnh thương mại toàn cầu đang tạo ra những chuyển dịch lớn đối với ngành thủy sản Việt Nam. Dù đối mặt với nhiều thách thức, cơ hội để mở rộng thị phần tại Mỹ, Trung Quốc và các thị trường khác vẫn rất khả quan. Để tận dụng được những lợi thế này, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, xuất xứ và minh bạch chuỗi cung ứng.