Startup thu hút vốn đầu tư: Câu chuyện dài muôn thuở

00:00 12/10/2020

Theo thống kê, năm 2017 – 2018 nước ta có khoảng 3000 startup. Tuy nhiên, thực tế có tới hơn 90% Start up Việt thất bại trong 3 năm đầu do không đủ vốn đầu tư để hoàn thành.

Nhiều cơ hội

Nếu năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp, thì năm 2015 đã tăng hơn 4 lần, đạt 1.800 startup. Trong hai năm 2017 - 2018 đã phát triển mạnh mẽ với con số hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau. Tuy vậy, startup Việt Nam có nhiều điều kiện, tiềm năng để phát triển nếu các bên có liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp như Nhà nước, khu vực tư nhân kết hợp, hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp. Một trong số đó, vốn có thể xem là lực đẩy quan trọng đối với các dự án khởi nghiệp.

Với vai trò điều phối, tạo dựng hành lang pháp lý và các cơ chế chính sách hỗ trợ, từ năm 2009, Chính phủ Việt Nam, trực tiếp là Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những nỗ lực bước đầu trong xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái.

Năm 2016, Chính phủ giao cho Bộ Khoa học & Công nghệ và các bộ ngành triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), đánh dấu một động thái quyết liệt hơn của Chính phủ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tiếp theo đó là sự ra đời của các Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665), Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939).

Gần đây, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến từ khu vực kinh tế tư nhân cũng đã bắt đầu tìm hiểu và đầu tư cho các startup. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, tăng gấp đôi so với 2015. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC,... Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước.

Năm  2018 các quỹ đầu tư nội có tổng vốn tương đối lớn, với tổng vốn của 6 quỹ tương đương 500 triệu USD. Nghĩa là các nhà đầu tư nội đã sẵn sàng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong nước. Những tên tuổi này có thể kể tới như: Vingroup Ventures, Viet Capital Ventures, Viet Partners…

 

Các quỹ đầu tư nước ngoài gần đây cũng dành mối quan tâm lớn đối với các Startup Việt. Theo báo cáo thường niên của TFI, năm 2017, Startup Việt đã được đầu tư 291 triệu USD trong đó 245 triệu USD từ vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2018, số vốn đầu tư đã tăng lên 889 triệu USD với 92 thương vụ đầu tư gấp 3 lần so với năm 2017 (cùng số thương vụ) và gấp 6 lần năm 2016.

Nhìn nhận về xu thế startup bùng nổ trong những năm gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng đầu tư vào các startup không những góp phần thúc đẩy nền kinh tế mà còn đóng góp tích cực cho sự tiến bộ của xã hội, nâng cao tri thức cộng đồng và cập nhật những xu hướng mới trên thế giới tại Việt Nam.

...Nhưng quá nhiều trở ngại

Khảo sát của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN) đánh giá, Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế khởi nghiệp cao nhất nhưng lại nằm trong nhóm 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất.  Theo thống kê có khoảng 90% doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ thất bại trong 3 năm đầu sau khi hoàn thành nghiên cứu về công nghệ cũng như có sản phẩm thử nghiệm, do không đủ vốn đầu tư để hoàn thành.

Các Startup Việt rất khó gọi vốn bởi không có tài sản đảm bảo, chưa có sản phẩm. Trong khi đó, các chính sách tín dụng khó tiếp cận do các doanh nghiệp khởi nghiệp thường có quy mô nhỏ, nguồn vốn nội sinh ít, không có tài sản thế chấp.  Hiện nay, các Start up có 4 kênh gọi vốn chính: đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần, gọi vốn cộng đồng và thông qua hỗ trợ các vườn ươm tạo. Tuy nhiên có thể thấy, số lượng vốn đầu tư của nhà đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp ở Việt Nam chưa nhiều, chất lượng của các dự án đầu tư khởi nghiệp cũng chưa cao đòi hỏi vòng đầu tư lâu dài. Theo ông Nguyễn Lân Trung Anh của IDG Ventures Vietnam, thời gian trung bình để doanh nghiệp khởi nghiệp đạt được thành công ở Việt Nam là 6,6 năm, trong khi ở Mỹ trung bình các doanh nghiệp chỉ cần 3-4 năm. Nguyên nhân của tình trạng này là các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam thường trong tình trạng cô lập, thiếu đối thủ lành mạnh, do đó thiếu chất xúc tác để có thể khai phá thị trường và phát triển mạnh mẽ, ông lý giải.

Các nhà đầu tư thiên thần chính là bệ phóng đầu tiên của các doanh nghiệp khởi nghiệp trước khi những doanh nghiệp này đủ lông đủ cánh để chuyển sang nhận đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Nhưng vốn từ các nhà đầu tư thiên thần khá hạn chế trong những năm trước do nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam vẫn chưa nhìn nhận đầu tư Startup là một mô hình đầu tư có thể tạo ra lợi nhuận.

Có một thực tế rằng, còn quá nhiều trở ngại để để startup Việt tìm được mội nhà đầu tư hoàn hảo cho mình. Môi trường phát triển doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan đến thoái vốn, cho vay, vốn đầu tư mạo hiểm… tạo thành các rào cản, nút thắt khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mất đi cơ hội kinh doanh.

Các cơ chế, chính sách của nhà nước, dù đã có những cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước, nhưng vẫn gây không ít trở ngại cho cả giới đầu tư cũng như startup Việt. Theo chia sẻ của nhiều startup, rất nhiều nhà đầu tư e ngại bỏ tiền vào đầu tư chỉ vì bị giới hạn bởi một số điều khoản trong Luật. Hay như để làm những thủ tục, giấy tờ cấp phép đầu tư, các nhà khởi nghiệp phải mất đến vài tháng để hoàn thành. Chính những vấn đề liên quan đến pháp lý đó nhiều khi làm cho startup bị “lỡ hẹn” khi thị trường cần, điều tối kỵ trong khởi nghiệp.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hệ sinh thái của chúng ta đang thiếu rất nhiều. Bắt đầu từ đăng ký kinh doanh đã gặp vướng mắc, như doanh nghiệp khởi nghiệp còn chưa biết làm gì, mà đăng ký đòi hỏi phải cụ thể. Một mô hình kinh doanh du lịch nhỏ phải xin phép 6 tháng, đi đến đâu vướng đến đấy, ngăn cản đổi mới sáng tạo...

Mặc dù Việt Nam mà một nước bắt xu hướng rất nhanh những khung pháp lý lại chưa thể đi kèm kịp thời. Đó cũng là lý do xảy ra thực tế rất đáng buồn rằng có rất nhiều công ty được thành lập và điều hành bởi người Việt nhưng lại đăng ký hoạt động tại Singapore. Thực chất, có rất nhiều CEO muốn thành lập và đóng thuế tại Việt Nam nhưng các quỹ chỉ chấp nhận đầu tư khi đăng kí tại Singapore. Bởi ở đây rất linh động trong quá trình các cơ quan nhà nước tác nghiệp với doanh nghiệp và trong chuyện quản lý còn cho phép các start up được thiết lập thỏa thuận với cơ quan quản lý thuế. Đấy là lý do vì sao mặc dù thuế ở Singapore không phải là thấp nhưng các quỹ đầu tư luôn yêu cầu các startup Việt của chúng ta phải đăng đăng kí doanh nghiệp tại Sing chứ không phải ở Việt Nam

Thời gian tới, để khắc phục những hạn chế, vượt qua những trở ngại nhằm tiếp tục tạo môi trượng phát triển hơn nữa cho hoạt động khởi nghiệp, nhất là việc thu hút vốn đầu tư cho các Startup Việt, cần tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, pháp lý thuận lợi trong việc thu hút nguồn tài chính bảo đảm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trụ vững.

Mặt khác, để thành công và thu hút vốn đầu tư từ những “ gã khổng lồ” ngoài một ý tưởng sáng tạo, nổi bật, hiệu quả thì các Startup cũng cần có sự chuyên nghiệp trong hồ sơ gọi vốn, báo cáo tài chính và kế hoạch dự kiến. Không những thế, các Startup cũng phải tìm hiểu rõ ngôn ngữ, văn hóa của các quốc gia, các nhà đầu tư mình hướng tới. Và điều quan trọng nhất phải nắm bắt nhanh, kịp thời các thông tin, cơ hội trước khi bị tuột mất.

T.S Chu Thị Hoa - Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý:

Trong vài năm gần đây, xu thế gọi vốn của rất nhiều nước trên thế giới phát triển rất nhanh. Đầu tiên khởi nguồn gọi vốn là ICO nhưng có rất nhiều dự án ICO là lừa đảo và chứa nhiều rủi ro. Cuối 2018 chuyển sang gọi vốn FTO là hình thức gọi vốn có sự đảm bảo bằng tài sản nhưng có sự quản lý rất đặc biệt của các nước, vì vậy có thể trở thành rào cản của doanh nghiệp. Thời điểm hiện tại, hình thức gọi vốn nghiêng về IDO, đây là hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và các sàn giao dịch phi tập trung. Ngoài ra, giới công nghệ dự đoán trong thời gian tiếp theo sẽ tiến tới hình thức IDO, cũng gọi vốn cũng phát hành Token nhưng là sự liên kết giữa các Startup với các sàn tập trung

Bà Tuệ Lâm - Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans tại Việt Nam:
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang dần khẳng định vị thế là một trong những mấu chốt quan trọng để phát huy nội lực, tạo nên bước đột phá cho phát triền của nền kinh tế, đưa năng suất lao động Việt Nam bước ra khỏi những quốc gia có năng suất lao động thấp nhất thế giới. Mặc dù Việt Nam là 1 nước bắt kịp các xu hướng rất nhanh nhưng khung pháp lý của Nhà nước lại chưa đi kịp. Khi các cơ quan quản lý vẫn đang học hỏi, nghiên cứu tìm hiểu thì các phương thức hoạt động, phương thức gọi vốn.. trên thế giới thay đổi liên tục. Đó là lí do tại sao rất nhiều các công ty thành lập ngoài biên giới Việt Nam. Có thể nói là chúng ta đang bị chảy máu chất xám.
thiếu

Thảo Trang – Bảo Trinh