Startup công nghệ sinh học Gene Solutions gọi vốn 70 triệu USD

11:03 23/03/2024

Gene Solutions có mạng lưới phòng thí nghiệm ở Việt Nam, Indonesia và Singapore, đồng thời có kế hoạch mở thêm phòng thí nghiệm ở Philippines và Thái Lan trong năm nay. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nguồn tin từ Bloomberg cho biết, startup công nghệ sinh học của Việt Nam - Gene Solutions được Mekong Capital hậu thuẫn đang tìm cách huy động 70 triệu USD trong năm nay nhằm phục vụ quá trình mở rộng thị trường Đông Nam Á, theo Bloomberg. Ngoài ra, công ty cũng đang cân nhắc IPO trong vòng hai năm tới.

Theo Giám đốc Tài chính, ông Hoà Nguyễn, công ty đã liên hệ với các nhà đầu tư ở các thị trường bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản để hoàn thành vòng gọi vốn mới nhất vào quý III. Ông cho biết thêm, Gene Solutions đã huy động được khoảng 40 triệu USD từ ba vòng trước đó. Đáng chú ý, 36 triệu USD nhận đầu tư trong số này đến từ quỹ MEF IV của Mekong Capital, chỉ trong khoảng hai năm.

Thời điểm Gene Solutions lần đầu nhận vốn từ Mekong Capital năm 2021, startup này đã dẫn đầu thị trường tại Việt Nam với khoảng 90% thị phần trong mảng xét nghiệm tiền sản không xâm lấn (NIPT).

Được thành lập vào năm 2017 bởi các nhà khoa học Việt Nam có nền tảng giáo dục tại Mỹ như Bác sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nghĩa và Tiến sĩ Giang Hoa, Gene Solutions chuyên phát hiện sự hiện diện của một số bệnh dựa trên dấu DNA của chúng. Điều đó đã giúp cha mẹ phát hiện các rối loạn nhiễm sắc thể khi mang thai, ngăn ngừa các vấn đề di truyền và giúp thụ thai thông qua thụ tinh trong ống nghiệm, ngoài ra giúp hạ giá thành và tăng khả năng tiếp cận đối với các xét nghiệm di truyền.

Chris Freund, người sáng lập và đối tác của Mekong Capital cho biết, Gene Solutions “có tốc độ phát triển cực kỳ nhanh, đó là một trong những lợi thế cạnh tranh của họ”. "Ví dụ, khi đầu tư lần đầu, chúng tôi chỉ có ý tưởng mở rộng ra ngoài Việt Nam. Nhưng trong hai năm qua, họ đã chuyển trụ sở chính đến Singapore và thiết lập thành công quan hệ đối tác với các tập đoàn bệnh viện và viện ung thư hàng đầu ở Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia, được phục vụ một phần bởi một phòng thí nghiệm ở Singapore. Điều này liên quan đến việc xây dựng các nhóm, quan hệ đối tác và thậm chí cả mô hình kinh doanh hoàn toàn riêng biệt cho mỗi quốc gia đó." Trong 5 năm qua, Gene Solutions đã thực hiện hơn 350.000 xét nghiệm di truyền.

Phía Mekong Capital đánh giá, Gene Solutions đang cung cấp dịch vụ xét nghiệm với chi phí thấp hơn nhiều so với các đối thủ ở Hoa Kỳ. Đây được xem là cơ hội thúc đẩy ngành y tế và chăm sóc sức khỏe Việt Nam tiệm cận các quốc gia có tiến bộ về khoa học.

Việc xây dựng phòng xét nghiệm chuẩn mực quốc tế ngay tại Việt Nam không chỉ giúp giảm chi phí xét nghiệm gen đến 10 lần mà còn rút ngắn thời gian xét nghiệm từ vài tuần chỉ còn 5-7 ngày với độ chính xác lên đến 99%.

Trong lĩnh vực tiên phong về chăm sóc sức khỏe sinh sản, Gene Solutions hiện nắm giữ trên 80% thị phần xét nghiệm gen sàng lọc trước sinh.

Ông Hoà cho biết, Gene Solutions đặt mục tiêu chào bán cổ phiếu vào năm 2026, thông qua niêm yết trong nước hoặc quốc tế. Công ty cũng lên kế hoạch huy động vốn trước IPO vào khoảng thời gian đó.

Startup này mong muốn đem đến các dịch vụ xét nghiệm di truyền với giá cả phải chăng và dễ tiếp cận, đặc biệt là tới người dân ở các nước đang phát triển.

Công ty hiện đang cung cấp xét nghiệm không xâm lấn và sàng lọc ung thư giai đoạn đầu bằng công nghệ giải trình tự gen. Ông Hoà cho biết, Gene Solutions có mạng lưới phòng thí nghiệm ở Việt Nam, Indonesia và Singapore, đồng thời có kế hoạch mở thêm phòng thí nghiệm ở Philippines và Thái Lan trong năm nay. 

Ngoài kế hoạch mở rộng, số tiền huy động được sẽ được sử dụng cho nghiên cứu điều trị ung thư và nâng cấp các dịch vụ hiện có. Theo TS Nguyễn Hoài Nghĩa, công ty cung cấp các dịch vụ giúp phát hiện 5 loại ung thư và có kế hoạch tăng lên 11 loại.

Ông Nghĩa cho biết, Gene Solutions hướng tới mục cung cấp các phương pháp điều trị ung thư trên toàn cầu. Một trong những dự án của họ là điều trị ung thư bằng liệu pháp tế bào và dự kiến thương mại hóa vào năm 2028.

Phương Anh (T/h)

Tags: