Theo thông cáo của Sở Công thương Hà Nội gửi đi tối 18-7, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương và TP Hà Nội, ngày 18-7, Sở Công Thương Hà Nội đã có buổi làm việc với các hệ thống phân phối trên địa bàn về công tác chuẩn bị hàng hóa phòng, chống dịch.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện tại doanh nghiệp đã dự trữ tăng từ 30-50% lượng hàng hóa thiết yếu và đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm.
Doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa thêm giờ, cam kết đảm bảo đủ lượng hàng phục vụ nhu cầu ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng có tăng.
"Hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 của Sở Công Thương Hà Nội trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (15 mặt hàng thiết yếu) và lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.
Để đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sẵn sàng huy động 236 xe trưng dụng tại các quận, huyện cùng với nhà cung cấp đưa hàng kịp thời đến các điểm bán, đề nghị Tổng Công ty vận tải Hà Nội hỗ trợ cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa từ các tỉnh về Hà Nội và từ các kho tới các điểm bán trên toàn TP Hà Nội.
Theo báo cáo, hiện toàn Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Đợt giãn cách này, Hà Nội đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.
Hà Nội đã tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ gần 200.000 tấn nông sản, trái cây, thủy hải sản, gia súc, gia cầm cho các tỉnh, thành phố khác như Hải Dương, Sơn La, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Kạn và một số tỉnh phía Nam.
PV