Hiện nay, các bộ ngành và địa phương đang tiến hành rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ để đảm bảo nhân sự trong thời gian tiếp theo, quy định này là bước siết chặt hơn quy trình công tác cán bộ và đưa ra yêu cầu ngày càng cao đối với trách nhiệm của tập thể và cá nhân lãnh đạo để góp phần chọn đúng đội ngũ cán bộ thực sự có trình độ, phẩm chất và uy tín.
Công tác cán bộ là một trong những vấn đề Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: Công tác Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là "then chốt của then chốt". Nhằm đảm bảo công tác lựa chọn cán bộ chính xác theo từng người và đúng đối tượng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ và xây dựng nên một quy trình nghiêm ngặt.
Theo đó, vấn đề kiểm soát quyền lực đối với công tác cán bộ cũng được Đảng đề ra qua từng nhiệm kỳ Đại hội của Đảng gắn chặt với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Quyết định số 205 - QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực đối với công tác cán bộ và phòng chống chạy chức, chạy quyền được xem là dấu mốc trọng yếu, vì đây là lần đầu Đảng ta khẳng định công tác cán bộ đã cấu thành nên một dạng quyền lực phải được kiểm soát. Cũng từ quyết định trên, những hiện tượng "chạy chức, chạy quyền" và tiếp tay, dung túng việc "chạy chức, chạy quyền" gắn với công tác cán bộ được Đảng cho điều tra, xử lý nghiêm.
Công tác lựa chọn và giới thiệu cán bộ ứng cử hiện nay cho thấy, có nơi không đảm bảo tiêu chí và nguyên tắc theo quy định, thậm chí có nơi giới thiệu người nhà hoặc họ hàng chưa có uy tín. Việc bổ nhiệm, phân cấp, phân quyền có nơi và có chỗ không gắn với ràng buộc trách nhiệm. Công tác thanh tra, kiểm soát không có biện pháp mạnh nhằm góp phần ngăn chặn kịp thời các sai phạm trong công tác cán bộ; một số biện pháp xử lý cán bộ có dấu hiệu lạm quyền, tham nhũng và lợi dụng chức quyền trong công tác cán bộ vẫn chưa rõ ràng và mạnh nên không có sức cảnh tỉnh và răn đe.
Vì vậy, việc xây dựng chính sách và pháp luật phải xác định rõ thẩm quyền trách nhiệm của mỗi cơ quan và những người có thẩm quyền, kể cả người đứng đầu có thẩm quyền quyết định đối với công tác cán bộ và xác định rõ ràng cơ chế, phương thức giám sát của từng thiết chế và người có thẩm quyền đối với việc đảm bảo sự minh bạch và chấp hành pháp luật trong việc thi hành những quyết định đối với công tác cán bộ.
Đất nước đang trong giai đoạn phát triển mới với rất nhiều thời cơ và thách thức luôn đan xen, đòi hỏi cán bộ các cấp phải có tài, có đạo đức cách mạng, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung của đất nước, vì cuộc sống của Nhân dân. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Quy định 114-QĐ/TW và các quy định của Đảng về công tác cán bộ sẽ được thực hiện quyết liệt nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược thật sự có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.
Có thể thấy, cùng với việc không ngừng đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cả nước nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, Đảng ta ngày càng quyết tâm cao phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Bởi cán bộ là gốc của mọi công việc.
Ngọc Thư (Theo NDO)