Bài liên quan |
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt giữ tàu cá CM-99275-TS đánh bắt hải sản trái quy định IUU |
Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong thời gian tới, Chính phủ có thể ban hành quy định về mùa đánh bắt và kích thước tối thiểu đối với một số loài hải sản. Điều này đồng nghĩa với việc ngư dân tại các tỉnh ven biển có thể sẽ bị hạn chế hoạt động khai thác trong một số thời điểm nhất định.
Thông tin này được đề cập trong Thông báo số 30/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, ghi nhận kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội nghị lần thứ XII của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đây là một phần trong nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết những bất cập trong quản lý khai thác thủy sản và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Sẽ ra quy định mùa đánh bắt và kích thước đánh bắt hải sản? |
Một trong những thách thức lớn hiện nay là xử lý tình trạng tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không có giấy phép khai thác). Theo dữ liệu từ Thông báo số 30, hiện vẫn còn 888 tàu cá thuộc diện này. Việc gia hạn, cấp phép khai thác theo quy định còn chậm, trong khi kết quả xác minh và xử lý hành vi ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) hoặc hoạt động sai vùng chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát chất lượng nhật ký khai thác tại một số địa phương vẫn chưa đảm bảo theo quy định, chủ yếu là hồi ký hoặc ghi nhận không chính xác trên hệ thống VMS.
Chính phủ chỉ ra rằng nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có việc hành lang pháp lý chưa theo kịp thực tiễn, quản lý còn cắt khúc theo lãnh thổ, thiếu cơ chế phối hợp liên địa phương dựa trên dữ liệu chung, và chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh để răn đe. Đồng thời, cơ chế khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững cũng chưa được triển khai hiệu quả, khiến Việt Nam vẫn chưa được gỡ thẻ vàng IUU từ Ủy ban Châu Âu (EC).
Để khắc phục những tồn tại này, Chính phủ đang tập trung rà soát và sửa đổi các quy định pháp luật về thủy sản, bao gồm Luật Thủy sản 2017, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP. Những thay đổi sắp tới sẽ hướng đến việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động khai thác, đánh bắt theo ngư trường, mùa sinh sản và kích thước khai thác, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý. Chính phủ cũng sẽ bổ sung các chế tài xử lý vi phạm đối với chủ tàu, thuyền trưởng và tăng cường quản lý liên địa phương nhằm khắc phục tình trạng giám sát cắt khúc theo địa bàn.
Ngoài ra, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương liên quan tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan đến IUU và chuẩn bị kế hoạch tổng thể để làm việc với đoàn thanh tra của EC trong đợt kiểm tra lần thứ năm. Những biện pháp này không chỉ giúp Việt Nam sớm được gỡ thẻ vàng mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng một ngành thủy sản phát triển bền vững, có trách nhiệm và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.