Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lâm Đồng vừa báo cáo về việc rà soát, đề xuất một số nội dung liên quan đến việc điều chỉnh quy định giải quyết hồ sơ tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh.
Cuối tháng 4/2023, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị UBND Lâm Đồng tự kiểm tra, xử lý các công văn và quyết định về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu tách thửa đất mà tỉnh đã ban hành từ năm 2021 đến nay.
Trước đó, tháng 11/2021, UBND Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 40 về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu tách thửa đất đối với từng thửa đất trên địa bàn.
Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 40, tháng 7/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng có Công văn số 4911 đề nghị các sở ngành và địa phương xem xét, tiếp nhận giải quyết hồ sơ tách, hợp thửa đất với một số trường hợp.
Theo công văn này, đa phần cá nhân không thể tách thửa đất nông nghiệp. Nếu muốn tách thửa phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư trình phê duyệt.
Trường hợp ngoại lệ là tách thửa đất để thừa kế hoặc tặng cho (giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi với con nuôi; ông nội/ngoại, bà nội/ngoại với cháu nội/ngoại; anh, chị em ruột với nhau theo quy định), mỗi người được nhận 1 thửa đất sau khi tách thửa. Đây được xem là quy định trái luật.
Tháng 3/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có công văn điều chỉnh cho phép tách thửa đất nông nghiệp mà thửa đất tách thửa tiếp giáp đường giao thông hiện hữu, nhưng không được hình thành khu dân cư và không kinh doanh bất động sản.
Quy định cho tách thửa đất nông nghiệp như nói trên được cho khó thực hiện, bởi cán bộ đăng ký đất đai không thể xác định được mục đích tách thửa và người tách thửa có kinh doanh bất động sản hay không?
Sau khi rà soát các quy định pháp luật liên quan và tham khảo quy định điều kiện tách thửa đất của các tỉnh Tây Ninh, Bình Thuận và Đồng Nai, Sở TN&MT Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh xem xét ban hành văn bản chỉ đạo theo hướng huỷ bỏ Công văn số 4911 và huỷ bỏ Công văn số 1952.
Về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu tách thửa đất đối với từng thửa đất trên địa bàn Lâm Đồng trong thời gian tới, Sở TN&MT kiến nghị điều chỉnh một số nội dung của Quyết định số 40. Theo đó, bỏ nội dung về điều kiện hình thành đường giao thông mới, lập quy hoạch chi tiết và đường giao thông hiện hữu chưa thể hiện trên bàn đồ địa chính và giấy chứng nhận đã cấp.
Bổ sung quy định các trường hợp không được tách thửa đất; tách thửa đất đồng thời với thực hiện chuyển quyền sử dụng đất; tách thửa đất đối với thửa đất có nhiều loại đất; tách thửa đối với trường hợp mục đích sử dụng đất khác với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã duyệt. Dự kiến trong quý II/2023, Sở TN&MT Lâm Đồng sẽ hoàn thành việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh hoặc thay thế Quyết định số 40.
Trong thời gian chờ, Sở TN&MT kiến nghị vẫn tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 40.
Trước đó, liên quan tới việc kết quả kiểm tra, rà soát các khu vực hiến đất hình thành đường giao thông để tách thửa trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, Tổ Công tác 80 đã tổng hợp kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét ban hành văn bản gửi Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét nội dung sau:
Về việc tháo gỡ vướng mắc khó khăn đối với việc bất cập, không đồng nhất trong quá trình triển khai thực hiện Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Đất đai:
Qua quá trình kiểm tra thực tế trên địa bàn tỉnh, trong thời gian vừa qua xuất hiện tình trạng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo đồng bộ và thống nhất, có sự chồng chéo, ví dụ như theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị là đất ở, đất cây xanh thì quy hoạch sử dụng đất là đất khác hoặc ngược lại. Tình trạng này diễn ra phổ biến trong toàn tỉnh và đã ảnh hưởng đến công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và đất đai của chính quyền địa phương, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người sử dụng đất.
Trong khi đó, vấn đề cốt lõi của việc lập quy hoạch là tổ chức không gian sống, không gian cảnh quan tự nhiên, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không gian sản xuất nông nghiệp,… từ đó các quy hoạch ngành xây dựng, quy hoạch đất đai, quy hoạch giao thông, quy hoạch nông nghiệp và các ngành khác tiếp tục quản lý trên cơ sở quy hoạch không gian được thống nhất và phê duyệt.
Hiện nay, trong các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã có thành phần của quy hoạch sử dụng đất; đây là đồ án được lập trên cơ sở Quy chuẩn, Tiêu chuẩn ngành xây dựng, dựa trên quy mô dân số và tính toán tổ chức không gian (xác định rõ khu vực bố trí hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, dịch vụ thương mại,…) cũng như hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, công viên, cây xanh,…).
Do đó, đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định liên quan theo hướng chỉ lập kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 5 năm và kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với khu vực đã có quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Như vậy sẽ đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch ngành tài nguyên môi trường và ngành xây dựng.
P.V (t/h)