Tiêu chuẩn xanh EU là những điều kiện mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này phải đáp ứng nếu muốn hàng hoá xuất khẩu thành công vào EU. Đáng chú ý, những quy định này của EU không đánh thẳng trực tiếp vào nhà xuất khẩu, nhưng từ phía người tiêu dùng hay nền kinh tế của EU đã đặt ra những quy định mới về môi trường và có những thỏa thuận xanh khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam đạt được tiêu chuẩn xanh mới có hy vọng tiếp tục tận dụng Hiệp định EVFTA để tăng xuất khẩu sang EU.
EU vốn là thị trường có tiêu chuẩn liên quan đến môi trường rất cao và các quy định của EU đối với các sản phẩm trong nước liên quan đến môi trường đã được quy định từ rất sớm, từ những năm 1987. Tuy nhiên, gần đây các quy định này được áp dụng chặt chẽ hơn, tăng tốc hơn, bắt đầu từ việc EU phê duyệt Thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990 và hướng tới mục tiêu rất tham vọng đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cùng với quy định này, phía EU đưa ra các đề xuất khác nhau, toàn diện trong tất cả các lĩnh vực để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh bao trùm tất cả các lĩnh vực từ nông, lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, hàng không. Những quy định này khi áp dụng đối với hàng hóa châu Âu thì nó cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng với với các sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu, trong đó có hàng hoá của Việt Nam.
Đặc biệt, quy định gần đây được phê duyệt vào tháng 5/2003 và chính thức có hiệu lực từ ngày mùng 1/10 năm nay là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU đã đưa ra định giá carbon của EU để áp với các sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra một lộ trình là chúng ta có thời gian chuyển tiếp từ nay đến năm 2026 và tỉ lệ mà doanh nghiệp phải chi trả chứng chỉ CBAM cũng sẽ tăng dần từ năm 2026 đến năm 2034, tức là doanh nghiệp có một lộ trình để chuẩn bị. Các tiêu chuẩn xanh của châu Âu đang được áp dụng rộng rãi hơn và sâu rộng hơn.
Đối với các doanh nghiệp, trước đây, các tiêu chuẩn xanh có thể được áp dụng rất nhỏ lẻ và mang tính chất tự nguyện. Song bây giờ, các doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu sang châu Âu đáp ứng các tiêu chuẩn sẽ phải mang tính chất bắt buộc hơn.
Như vậy, thách thức đang đặt ra ngày càng nhiều hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải phải thay đổi từ nhận thức đến hành động. Đây là một câu chuyện rất dài, bởi vì để có thể chuyển đổi được sản xuất xanh hơn hay đáp ứng được những tiêu chuẩn xanh thì doanh nghiệp cần phải đầu tư rất nhiều, cả về con người, nguồn lực, vốn và cũng cần một thời gian để các doanh nghiệp có thể thích ứng được với điều đó.
Hiện nay, Việt Nam cũng có mục tiêu liên quan đến phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính khi đặt ra mục tiêu Net Zero (phát thải ròng khí nhà kính bằng 0) vào năm 2050. Ngân hàng Thế giới, các tổ chức quốc tế cũng đã sẵn sàng vào cuộc cùng với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp cam kết chuyển đổi bằng hoặc sớm hơn so với cam kết của Chính phủ sẽ được nhận những ưu đãi về lãi suất và những hỗ trợ không hoàn lại liên quan đến tăng cường năng lực. Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp mong muốn đạt mục tiêu tăng trưởng xanh.
Ngọc Phi (TH)