RCEP có phải cơ hội cho Trung Quốc "vượt mặt" Mỹ?

14:54 05/11/2021

Các chuyên gia thương mại cho biết Trung Quốc đang dẫn đầu trong công cuộc mở rộng thương mại toàn cầu, nhất là trong bối cảnh hiệp định thương mại lớn nhất thế giới tiến đến có hiệu lực ngày 1/1, bỏ lại Hoa Kỳ phía sau với chiến lược bảo hộ cố hữu.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1 tới
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1 tới. (Ảnh: Xinhua)

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm 15 quốc gia thành viên trong đó có Trung Quốc, sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1 sau khi đạt được số lượng phê chuẩn tối thiểu trong tuần này. Được ký kết lần đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái sau tám năm đàm phán, RCEP không chỉ mang đến cơ hội cho khoảng 30% dân số thế giới mà còn mở rộng cánh cửa vươn ra thế giới của đất nước tỉ dân. 

Khi RCEP chính thức được tiến hành, Trung Quốc có thể thúc đẩy thương mại lớn hơn nữa, mặc dù một số chuyên gia vẫn đặt vấn đề trước nhiều rào cản và hiệu quả của RCEP vẫn đang được xem xét. Bên cạnh đó, đất nước này cũng đang hướng tới gia nhập một khối thương mại khác, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có tiền thân là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là chiến lược xoay trục châu Á của Hoa Kỳ. 

Ngược lại, về phía Mỹ, Biden tiếp tục các chính sách của Trump và không mặn mà với tiếp cận thị trường. Bryan Mercurio, giáo sư luật thương mại quốc tế tại Đại học Hồng Kông nhận định RCEP là chiến thắng và mở ra chương mới cho Trung Quốc sau cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ông nói thêm: "Trung Quốc đang giành lấy mọi thứ từ Mỹ. CPTPP và RCEP sẽ đem đến cho nước này chiến thắng trong quan hệ với các nước".

Dựa trên mô hình kinh tế, Trung Quốc hưởng lợi lớn nhất từ RCEP trong số ba quốc gia không thuộc khối ASEAN bên cạnh Nhật Bản và Hàn Quốc. Sheng Liugang, giám đốc chương trình nghiên cứu thương mại và phát triển tại Đại học Trung Quốc Hồng Kông, chỉ ra RCEP sẽ nâng cao vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng công nghiệp châu Á và cuối cùng là toàn cầu hóa. "Khi chúng tôi thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, chúng tôi hy vọng các đối tác thương mại sẽ giao dịch bằng đồng tệ số", ông nói.

Đối với CPTPP, Bắc Kinh không nên đặt kỳ vọng nhiều bởi các mối quan hệ phức tạp với các nước trong khối. Đơn đăng ký phải nhận được sự đồng thuận của tất cả 11 nước thành viên, nếu có một quốc gia không đồng ý, đơn xin gia nhập của Trung Quốc sẽ không được thông qua. Theo Su Qingyi, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết trong một diễn đàn rằng khoảng cách giữa Trung Quốc và các tiêu chuẩn của CPTPP nằm ở quy tắc và tiếp cận thị trường. 

TL