Sáng 28/9, UBND TP.HCM đã ra mắt Hệ thống quản trị thực thi TP.HCM trên các nền tảng số (giai đoạn 1).
Theo Sở TT&TT TP.HCM, hệ thống quản trị thực thi trên nền tảng số bước đầu làm thay đổi cách chỉ đạo, điều hành và kiểm tra hoạt động của thành phố từ thủ tục, báo cáo văn bản giấy tờ sang điều hành hệ thống thông tin, tương tác theo thời gian thực.
Trong đó ba chức năng chính của hệ thống là tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội, kết quả bộ chỉ tiêu điều hành; điều hành, quản trị; giám sát, tương tác giữa người dân với chính quyền.
Thông qua hệ thống này, lãnh đạo thành phố có thể đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình hoạt động, hiệu quả kế hoạch công tác, kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường để đưa ra định hướng, quyết định và hành động phù hợp.
Các thông tin được thể hiện theo từng lĩnh vực, đơn vị xử lý, giúp trực quan hóa tình hình xử lý phản ánh kiến nghị của người dân. Hệ thống giúp lãnh đạo thành phố và các đơn vị có thể tra cứu, giám sát từng kiến nghị; theo dõi chất lượng, tình hình xử lý phản ánh kiến nghị, kịp thời ra quyết định điều hành nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Hệ thống cũng được phân quyền về sở, ngành, quận, huyện, giúp các cấp có thể nắm bắt tổng quan về tình hình phát triển của địa phương, đơn vị. Từng bước nâng cao trách nhiệm giải trình, trách nhiệm quản lý điều hành của người đứng đầu địa phương, đơn vị.
Đặc biệt, hệ thống có chức năng quản trị, thực thi để dự báo việc thực hiện của các chỉ tiêu. Mỗi chỉ tiêu đều có một màu sắc cảnh báo riêng: nhóm màu đỏ - là nhóm nguy cơ không đạt so với kế hoạch được ưu tiên hiển thị hàng đầu, nhóm màu cam - nhóm đang tiếp tục phát triển, nhóm màu xanh là nhóm dự kiến đạt so với kế hoạch và nhóm mặc định - chưa thể đánh giá do chỉ tiêu được thu thập theo kỳ năm.
Hệ thống sẽ tự động gom nhóm cảnh báo, lãnh đạo có thể gửi yêu cầu giải trình đối với từng chỉ tiêu mà các đơn vị đã báo cáo - đây là chức năng tương tác, giám sát của lãnh đạo thành phố với lãnh đạo các đơn vị.
Ngay khi yêu cầu giải trình được gửi đi, đơn vị được yêu cầu sẽ nhận tin cảnh báo qua tin nhắn điện thoại hoặc email. Sau đó, đơn vị giải trình sẽ truy cập hệ thống để phản hồi.
Trước mắt, tính năng này theo dõi theo 5 nhóm: Tiếp nhận hiến kế của người dân; bản đồ thể chế, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công, cổng thông tin 1022, tổng đài khẩn cấp liên thông 113 - 114 - 115 và cổng thông tin đối thoại doanh nghiệp.
Theo Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM, hệ thống này xây dựng với kiến trúc mở, sẵn sàng mở rộng tích hợp các hệ thống thành phần khi cần thiết. Để đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu được lưu trữ tập trung tại Trung tâm dữ liệu TP.HCM.
“Với sự tham gia, vận hành nghiêm túc, TP.HCM sẽ trở thành chính quyền số, hiện đại, minh bạch, tiết kiệm cho cộng đồng và doanh nghiệp. Đây cũng sẽ là nền tảng cho việc xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh đúng theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI” - Sở TT&TT nhận định.
Hà Anh (t/h)