Quy hoạch xây sân bay trên đảo Cô Tô trên 130ha, đường băng dài 1.800m

15:55 18/03/2023

Sân bay chuyên dụng tại huyện đảo Cô Tô dự kiến được đầu tư trên diện tích trên 130ha, đường băng dài 1.800m với các hạng mục: sân đỗ, khu vực quân sự, khu vực cảnh quan, hạ tầng kết nối… đảm bảo khai thác tốt trong mọi điều kiện thời tiết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Việc triển khai đường bay này sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho tỉnh; đồng thời góp phần phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, các hoạt động đảm bảo an ninh, quốc phòng cho khu vực tiền tiêu của quốc gia.

Cô Tô sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch với lượng khách tới tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng; lượng du khách không ngừng tăng qua các năm. Theo quy hoạch, đảo Cô Tô lớn phân thành 6 phân vùng chính: Nam Đồng sẽ phát triển cộng đồng sân golf, bãi biển Vàn Chảy nâng cấp thành thị trấn biển, xã Hải Tiến phát triển sân golf và dịch vụ biển, hồ Ông Tiên định hướng du lịch, khu vực sân bay và hậu cần hỗ trợ cho tổng thể cả đảo.

Cô Tô được định hướng mở rộng quỹ đất phát triển đô thị hiện có tại đảo Cô Tô Lớn, Thanh Lân, bố trí đất ở và di dân ra đảo Trần. Đảo Cô Tô Con không bố trí đất ở; 3 đảo phát triển 3 chức năng bổ trợ cho nhau; Đảo Cô Tô Lớn sử dụng không gian mặt nước vịnh Trường Xuân bổ trợ cho các khu chức năng; Đảo Thanh Lân hình thành quỹ đất phát triển du lịch kết hợp cảng khách; Phát triển không gian ở vừa phải, tăng quỹ đất cho hoạt động dịch vụ, giải trí kết hợp nghỉ dưỡng, tăng không gian xanh đệm cho các khu vực chức năng. Kết nối đảo Cô Tô Lớn và đảo Thanh Lân bằng tuyến cáp treo, các điểm kết nối khác bằng tàu thuyền. 

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển sân bay dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Đông Triều, Uông Bí và tại những khu vực có tiềm năng về du lịch.

Cũng theo quy hoạch, Quảng Ninh sẽ nâng cấp, cải tạo, mở rộng sân bay Hồng Kỳ (phường Ninh Dương, Móng Cái). Sây bay này sẽ kết hợp khai thác dân dụng (taxi) và cứu nạn.

Với cảng hàng không Vân Đồn, đây là cảng hàng không quốc tế; cấp sân bay đạt cấp 4E, sân bay quân sự cấp II; diện tích 326,547 ha. Công suất thông qua cảng hàng không đạt khoảng 2,5 triệu khách/năm và 2.000 tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn đến năm 2030, cảng hàng không này sẽ xây dựng thêm đường lăn nối, mở rộng nhà ga hành khách, khu hàng không dân dụng và sân đỗ máy bay để nâng công suất 5 triệu hành khách/năm. Đến 2030, Vân Đồn trở thành sân bay xanh.

Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng thêm một đường cất hạ cánh, các đường lăn mở rộng sân đỗ máy bay, xây dựng thêm 1 nhà ga hành khách và khu hàng không dân dụng để nâng công suất cảng hàng không lên 12 triệu hành khách/năm.

Phạm vi xây dựng thêm đường cất hạ cánh khoảng 143,67 ha. Tầm nhìn đến 2050 quỹ đất của cảng hàng không này là khoảng 470,22 ha.

Thời gian tới, trên cơ sở tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tổng thể phát triển của tỉnh Quảng Ninh, Cô Tô tập trung phát triển theo hướng mở cửa, hội nhập, có tầm nhìn dài hạn, bước đi thích hợp, bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Theo đó, Cô Tô sẽ thu hút các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và phát triển các ngành có lợi thế. Coi trọng xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi và thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên đảo. Đồng thời, lấy phát triển kinh tế làm cơ sở để tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ địa bàn và lấy bảo đảm quốc phòng, an ninh làm tiền đề để phát triển kinh tế, phấn đấu đưa Cô Tô thành “Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng biển, đảo cấp quốc gia” và cũng là tiền đồn hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

Phi Bảo