Quy chế phối hợp tăng độ bao phủ BHXH, BHYT giai đoạn 2023-2028

09:46 08/06/2023

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố và Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội vừa ký ban hành Quy chế số 1305/QCPH/LĐLĐ/BHXH trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2023-2028.

Ảnh minh họa

Quy chế gồm 3 Chương 12 Điều với mục đích nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa LĐLĐ Thành phố và BHXH thành phố Hà Nội theo các cấp (thành phố; cấp huyện) trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố; phát huy vai trò, thế mạnh của mỗi cơ quan trong chỉ đạo, triển khai, thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật BHXH, Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hướng tới mục tiêu thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

Quy chế áp dụng đối với tập thể, cá nhân thuộc các phòng nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc BHXH Thành phố và các Ban, đơn vị thuộc cơ quan LĐLĐ Thành phố, các cấp công đoàn thuộc hệ thống Công đoàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, quy định về trách nhiệm và nội dung phối hợp để thực hiện các hoạt động có liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN giữa các đơn vị thuộc ngành BHXH và Công đoàn các cấp LĐLĐ thành phố Hà Nội.

Nguyên tắc hoạt động: Mọi hoạt động phối hợp được thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật và theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của của mỗi cơ quan. Các quy định trong Quy chế này không thay thế cho các các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị liên quan đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác.

Ảnh minh họa

Các bên chủ động, tích cực trong việc phối hợp cũng như đảm bảo vai trò, trách nhiệm và tính độc lập của từng cơ quan; việc phối hợp phải thường xuyên, kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, bám sát vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố và cơ quan quản lý cấp trên, trên cơ sở tôn trọng, tạo điều kiện để mỗi cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Việc trao đổi, cung cấp thông tin phải đảm bảo kịp thời, chính xác, nhằm đảm bảo thống nhất, khách quan theo quy định tại Quy chế này.

Theo Quy chế ký kết, LĐLĐ Thành phố và BHXH Thành phố thực hiện 7 nội dung phối hợp, gồm: 

- Phối hợp trong việc nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm; 

- Phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN;

- Phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm các chế độ, chính sách của người lao động khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN;

- Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN;

- Phối hợp giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; Phối hợp khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH;

- Về công tác thông tin, báo cáo;

- Về xét khen thưởng.

Với những nội dung đã thống nhất, BHXH Thành phố có trách nhiệm chỉ đạo BHXH quận, huyện, thị xã; LĐLĐ Thành phố có trách nhiệm chỉ đạo LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở triển khai thực hiện Quy chế phối hợp theo ngành dọc quản lý. Đồng thời, căn cứ quy chế phối hợp, BHXH Thành phố chỉ đạo BHXH quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trực thuộc LĐLĐ Thành phố xây dựng chương trình phối hợp công tác hàng năm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, ngành, đơn vị.

Ảnh minh họa

BHXH Thành phố giao Phòng Truyền thông và LĐLĐ Thành phố giao cho Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động là các đầu mối của hai bên để tham mưu theo dõi, tổng hợp, đánh giá việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp; đồng thời, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp cho phù hợp.

Định kỳ hàng năm, lãnh đạo hai bên luân phiên tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp, kịp thời rút ra kinh nghiệm, đề xuất các nội dung, biện pháp phối hợp trong năm tiếp theo; biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quy chế phối hợp.

Quy chế phối hợp có hiệu lực kể từ ngày 05/6/2023.

P.V

Tags: