Công trình sẽ là điểm nhấn giao thông của tỉnh khi kết nối khu hành chính Hòn Gai với khu du lịch Bãi Cháy.
Trong quy hoạch, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống cầu gắn với các tuyến đường kết nối phía Bắc vịnh Cửa Lục. Cải tạo, nâng cấp hệ thống cầu hiện trạng đảm bảo quy mô, kết cấu kỹ thuật và khả năng kết nối giao thông. Đặc biệt, dự trữ quỹ đất để xây dựng hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục, kết nối Bãi Cháy với Hòn Gai, TP. Hạ Long.
Khi hoàn thành hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục sẽ tạo điều kiện lưu thông thuận lợi giữa 2 bờ vịnh Cửa Lục, phá thế độc đạo của cầu Bãi Cháy hiện nay, kết nối giữa khu du lịch phía Tây với khu hành chính, văn hóa và các khu dân cư phía Đông TP. Hạ Long. Hầm còn có ý nghĩa đảm bảo giao thông thông suốt trong đô thị Hạ Long.
Được ví là công trình thế kỷ của Quảng Ninh với số vốn rất lớn, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật rất cao, dự án hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục từng được Quảng Ninh dự kiến khởi công vào năm 2019 và hoàn thành năm 2025. Tuy nhiên, sau đó tạm dừng để tập trung triển khai dự án khác.
Dự án hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục thời điểm năm 2019 được UBND tỉnh Quảng Ninh dự toán tổng vốn đầu tư trên 9.780 tỷ đồng, lấy từ nguồn ngân sách tỉnh. Để có nguồn vốn cho công trình thế kỷ này, mỗi năm Quảng Ninh sẽ cân đối từ nguồn ngân sách tỉnh khoảng 2.000 tỷ đồng. Đây là công trình cấp đặc biệt nhưng không nằm trong công trình quốc gia nên Quảng Ninh đã xin chủ trương tự cân đối ngân sách xây dựng và được Thủ tướng đồng ý.
Theo thiết kế, hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục sẽ nằm song song với cầu Bãi Cháy với quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 2.750 m. Trong đó, chiều dài hầm khoảng 2.140 m (gồm 1.000 m hầm dìm và 1.140 m hầm dẫn). Hầm dự kiến nằm dưới đáy biển cách mặt nước không quá 17 m (hầm Thủ Thiêm là 24 m). Tốc độ xe lưu thông trong hầm có thể đạt 60 km/h, và có khả năng chịu được động đất mạnh 6 độ richter.
Nam Trí Đức