Những bước tiến mới
Ngày 17/10/2020, Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh (Dự án) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Đến ngày 19/10/2020, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) và ngài Suga Yoshihide, Thủ tướng Nhật Bản, Tổ hợp nhà đầu tư gồm PV Power, Colavi, Tập đoàn Tokyo Gas và Tập đoàn Marubeni đã ký Biên bản ghi nhớ về việc phát triển Dự án.
Tại Quyết định số 1976 về việc phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, Dự án được xây dựng tại phường Cẩm Thịnh (TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh). Thông tin mới nhất về Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh cho biết, Dự án vừa có thêm những bước tiến mới trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý để tiến gần đến việc lựa chọn nhà đầu tư.
Cụ thể, tại kỳ họp đầu tiên của HĐND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2021-2026 mới diễn ra, danh mục các dự án, công trình thu hồi đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác - đợt 2 của năm 2021 đã được thông qua.
Theo đó, Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh có diện tích theo quy hoạch được phê duyệt là 105,74ha. Trong đó, trong giai đoạn I, diện tích đất thực hiện là 55,88ha, diện tích đất phải thu hồi là 42,51ha.
Chủ tịch UBND TP. Cẩm Phả - ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Để nhà đầu tư có thể bắt tay sớm vào việc thực hiện dự án quan trọng này, Thành phố đã và đang tiến hành kiểm đếm, lên phương án đền bù, kế hoạch giải phóng mặt bằng, cũng như tính toán chi phí giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư sẽ phải chi trả. Như vậy, khi nhà đầu tư được phép thực hiện dự án sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian trong khâu giải phóng mặt bằng”.
Liên quan việc lựa chọn nhà đầu tư, theo ông Nguyễn Hồng Dương - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, sau khi được HĐND thông qua việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Sở sẽ tiến hành các bước tiếp theo để trình UBND tỉnh phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án. “Sau đó, Dự án sẽ được đấu thầu quốc tế rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư đủ tiềm lực tài chính và năng lực thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư”, ông Dương cho hay.
Nhiều yêu cầu đối với nhà đầu tư
Cũng theo Quyết định số 1976, nhà đầu tư phải đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính. Về yêu cầu vốn chủ sở hữu, vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư phải thu xếp không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án đang xét. Trường hợp liên danh, vốn chủ sở hữu của bằng tổng vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư liên danh.
Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh được đánh giá là không đáp ứng thì nhà đầu tư liên danh sẽ được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu. Nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30% và từng thành viên có tỷ lệ vốn sở hữu tối thiểu 15% trong liên danh.
Ngoài ra, nhà đầu tư của dự án phải cam kết những điều kiện sau: Cam kết không khiếu kiện trong trường hợp có sự thay đổi, điều chỉnh các nội dung yêu cầu đối với Nhà đầu tư hoặc hủy bỏ kết quả lựa chọn nhà đầu tư vì lý do an ninh quốc phòng;
Cam kết không yêu cầu bảo lãnh về hợp đồng mua bán điện, thu mua sản lượng điện sản xuất, cam kết tự thỏa thuận đàm phán PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
Cam kết thành lập doanh nghiệp tại địa phương, thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định;
Cam kết xây dựng phương án đấu nối, thỏa thuận đấu nối truyền tải điện vào hệ thống lưới điện quốc gia theo quy định; có biện pháp thỏa thuận đấu nối với đơn vị quản lý trạm biến áp, đường dây truyền tải điện;
Cam kết áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; thực hiện điều kiện kỹ thuật của dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hiện hành. Trong trường hợp tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành chưa có thì áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới;
Cam kết không mua bán, chuyển nhượng dự án dưới bất kỳ hình thức nào trong thời gian triển khai dự án đầu tư đến khi đưa nhà máy vào vận hành và phát điện thương mại (COD), trường hợp vi phạm thì thu hồi dự án mà không bồi thường;
Cam kết tiến độ đầu tư hoàn thành dự án vào hoạt động trong quý III/2027, trường hợp triển khai không đúng tiến độ thì dự án bị thu hồi và không được bồi thường, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định;
Cam kết chấp hành các quy định về an ninh, quốc phòng an ninh theo luật pháp Việt Nam;
Cam kết thực hiện việc đầu tư theo pháp luật Việt Nam, mọi tranh chấp khiếu kiện giải quyết theo pháp luật Việt Nam, Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Góp ý cho Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh để trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung quy hoạch, Bộ Tài chính cho rằng, việc đánh giá năng lực tài chính và kinh nghiệm, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án nên tuân thủ các quy định của pháp luật đấu thầu. Với thực tế Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới 44.000 tỷ đồng và vốn đối ứng của chủ đầu tư chiếm 20%, tương đương 8.800 tỷ đồng thì việc xem xét, đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư cần tiến hành thận trọng, đảm bảo nhà đầu tư có đủ năng lực và khả năng huy động vốn thực hiện Dự án theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trần Linh (T/h)