Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư trong Khu Kinh tế đã tạo ra sản phẩm công nghiệp chủ lực mang thương hiệu quốc gia và quốc tế như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dự án Khu liên hợp Sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất, Khu Công nghiệp VSIP, Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam…
Nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp, chuyên gia, kỹ sư đang làm việc tại đây đều chọn tuyến đường nối Khu kinh tế Dung Quất – Nối sân bay Chu Lai để di chuyển vì tuyến đường này rút ngắn thời gian đi lại, tuy nhiên hiện nay nhiều tuyến đường giao thông ở khu kinh tế này đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại cũng như thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất...
Nghiêm trọng nhất là tuyến đường số 3, nối từ xã Bình Thạnh đến vòng xoay Thiên Đàng, Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi với sân bay Chu Lai, Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Mặt đường nhiều đoạn trên tuyến đã bị "băm nát" trở thành đường cấp phối, một số đoạn đọng nước, lầy lội khi trời mưa. Sau một thời gian khai thác, tuyến đường dài gần 4 km này đã nát vụn, ổ gà chằng chịt và bụi mù mịt. Nhiều điểm mặt đường bị biến dạng trở thành… đường đất, khiến các nhà đầu tư đang đầu tư tại Khu kinh tế Dung Quất gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, còn người dân thì luôn bất an.
Ông Thủy Văn Dũng, xã Bình Thạnh cho biết, đoạn đường này đã xuống cấp quá nghiêm trọng. Tại đây đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thương tâm, đặc biệt vào ban đêm. Mùa nắng nóng xe trọng tải nặng chạy trên tuyến đường này thường xuyên gây bụi bẩn, bà con ở đây liên tục ra đường ngăn chặn xe chở vật liệu lưu thông.
Không chỉ tuyến đường số 3, các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 24C kết nối xuống cảng Dung Quất, hiện lưu lượng phương tiện tham gia giao thông phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hoá, vật tư, vật liệu cho các dự án trọng điểm trên địa bàn tăng đột biến, với mật độ cao. Tình trạng này đã gây hư hỏng công trình cầu, đường, gây nguy cơ mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Bà Huỳnh Thị Linh Trang, Giám đốc Công ty Dịch vụ và Thương mại Thuận Trang cho biết, Khu kinh tế Dung Quất có cảng biển nước sâu, thuận lợi để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường trong khu kinh tế đã được đầu tư từ rất lâu, chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trong khu kinh tế. Ngoài ra, nhiều tuyến đường trong khu kinh tế xuống cấp gây nhiều khó khăn và làm phát sinh thêm thời gian, chi phí đối với các đơn vị kinh doanh vận tải.
Ông Hà Hoàng Việt Phương - Trưởng Ban Quản ký Khu kinh tế Dung Quất cho biết: “Giai đoạn 2010-2022, Khu Kinh tế Dung Quất cũng đóng góp ngân sách 223.910 tỷ đồng, chiếm gần 80% thu ngân sách của tỉnh. Hiện Khu Kinh tế Dung Quất đang giải quyết việc cho khoảng 65.500 lao động”
Đến nay, 346 dự án đăng ký đầu tư còn hiệu lực vào Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 18,120 tỷ USD; trong đó, 59 dự án đầu tư nước ngoài và 287 dự án đầu tư trong nước. Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư trong khu kinh tế đã tạo ra sản phẩm công nghiệp chủ lực mang thương hiệu quốc gia và quốc tế như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Khu Công nghiệp VSIP, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Việt Nam.
Theo quy hoạch, Khu kinh tế Dung Quất phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia, tuy nhiên hạ tầng hiện nay tại Khu kinh tế Dung Quất sau 20 năm xây dựng đã xuống cấp nghiêm trọng; một số tuyến trục chính chưa mở rộng đúng quy hoạch, nhiều dự án còn đầu tư dở dang, thắt nút cổ chai. ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư…
Liên quan đến hạ tầng giao thông ở Khu kinh tế Dung Quất, trong buổi làm việc vào ngày 1.1.2023 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ngãi, ông Đặng Minh Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, kể từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đưa vào hoạt động đến nay (2009-2022), Quảng Ngãi nộp ngân sách trung ương khoảng 115 nghìn tỉ đồng và thuế xuất nhập khẩu từ Khu kinh tế Dung Quất khoảng 56 nghìn tỉ đồng; tuy nhiên, trong giai đoạn này, ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất 1.583 tỉ đồng (bằng khoảng 0,9% nguồn thu). Hiện nay, hệ thống hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư…
Do đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương hỗ trợ có mục tiêu ngân sách trung ương từ nguồn thu Nhà máy lọc dầu Dung Quất để đầu tư cơ sở hạ tầng và giải quyết an sinh xã hội.
Trọng Tâm