Sáng 2/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Luật Viễn thông 2009 có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông ở nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa.
Sau hơn 12 năm áp dụng, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không phù hợp với bối cảnh mới có nhiều thay đổi. Vì thế, phải sửa đổi toàn diện để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu mới và khắc phục các vướng mắc trong công tác thực thi, quản lý Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói trước đây, việc cung cấp dịch vụ viễn thông phải có hạ tầng mạng, và quản lý hạ tầng mạng là quản lý luôn được dịch vụ viễn thông.
Còn ngày nay, trên Internet cũng có thể triển khai dịch vụ viễn thông xuyên biên giới, đặt ra bài toán quản lý phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các dịch vụ cùng vấn đề an toàn, an ninh. Vì vậy, dự thảo quy định chi tiết về quản lý việc cung cấp và hình thức cấp phép với dịch vụ viễn thông, trong đó có trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây để đảm bảo tính linh hoạt, đảm bảo cơ chế khuyến khích dịch vụ mới phát triển.
Ông Hùng nói thêm, sự phát triển của công nghệ vệ tinh mới như vệ tinh chùm đặt ra yêu cầu bổ sung, hoàn thiện quy định quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh xuyên biên giới vào Việt Nam, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT viễn thông) theo nguyên tắc tạo thuận lợi cho phát triển nhưng có quản lý để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh. Đối với các nội dung mới có thể phát sinh trong tương lai như Internet thế hệ mới, mô hình hoạt động viễn thông mới, dự thảo Luật bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Chính phủ ban hành các quy định điều chỉnh mới theo nguyên tắc phù hợp với quy định chung đã có của Luật.
Ngoài ra, dự thảo Luật kế thừa các quy định của Luật hiện hành về việc duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật sẽ tiếp tục rà soát để khắc phục những bất cập của việc triển khai hoạt động của Quỹ trong giai đoạn trước, đảm bảo không chồng chéo với nội dung và nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Cụ thể, xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của Quỹ, các quy định về đóng góp và giải ngân thực hiện theo nguyên tắc thu và chi tương ứng, chưa có nhiệm vụ chi thì không thu để tránh tồn dư Quỹ…
Báo cáo thẩm tra dự án Luật, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho rằng OTT về bản chất là dùng Internet để cung cấp phần mềm ứng dụng, như Zalo, Viber, Telegram. Theo kinh nghiệm quốc tế, về cơ bản, OTT được chia thành hai loại chính, gồm OTT viễn thông và OTT cung cấp nội dung thông tin. Người dùng dịch vụ có thể tự do sử dụng đồng thời nhiều ứng dụng hoặc tùy ý thay đổi nhà cung cấp dịch vụ và không mất bất kỳ chi phí nào.
Ngoài chức năng gọi điện thoại, nhắn tin, dịch vụ OTT còn có các chức năng khác như họp trực tuyến, xem phim, truyền hình… và không thu phí. Các đặc điểm này dẫn đến việc sử dụng dịch vụ OTT phát triển rất nhanh chóng, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các dịch vụ tin nhắn và thoại truyền thống của các doanh nghiệp viễn thông ở nhiều quốc gia bao gồm cả thị trường Việt Nam. Quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số đang được đẩy mạnh.
Đa số ý kiến của Ủy ban nhất trí rằng việc pháp luật chưa có quy định quản lý về vấn đề này sẽ dẫn đến quyền lợi của người dùng chưa được bảo đảm về bảo mật dịch vụ, tính minh bạch, thông tin, khả năng truy cập. Do đó, OTT viễn thông cần được quản lý theo cách thức phù hợp.
Vì vậy, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý các quy định nêu trên để bảo đảm chặt chẽ, khả thi; cân nhắc, chỉ nên luật hóa những nội dung đã được thống nhất, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc và sẽ được cụ thể hóa tại văn bản hướng dẫn để bảo đảm tính linh hoạt trên thực tế.
Tại cuộc họp sáng nay, có ý kiến cho rằng việc dự thảo đưa trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và viễn thông cơ bản trên Internet vào nhóm cần điều chỉnh có thể sẽ làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp liên quan, ảnh hưởng đến lợi ích mà dịch vụ đó có thể mang lại đối với nền kinh tế, tác động tiêu cực đến thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Do đó, Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các nước, làm rõ hơn việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo và báo cáo Quốc hội về định hướng thiết kế hệ thống luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông thời gian tới.
Những điểm mới của Luật Viễn thông sửa đổi:
- Dự thảo luật quy định các điều kiện cấp phép theo hướng đơn giản hóa thủ tục.
- Hoàn thiện quy định sử dụng tài khoản SIM thuê bao di động để thanh toán cho dịch vụ viễn thông và dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động hợp pháp.
- Bổ sung đối tượng của hoạt động chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông.
- Hoàn thiện quy định tăng cường sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông để đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
(Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng)
Minh Phương (T/h)