Phú Thọ: Thúc đẩy tiêu thụ nông sản OCOP qua thương mại điện tử

13:38 06/02/2023

Trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh phối hợp với các ngành như Công thương, Thông tin và Truyền thông để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) nhằm tạo động lực nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Phú Thọ giaothuong.net.vn
Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Phú Thọ giaothuong.net.vn.

Đi vào hoạt động từ năm 2018, đến nay Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Phú Thọ giaothuong.net.vn đã có 302 gian hàng với 945 sản phẩm dịch vụ và trên 5,53 triệu lượt truy cập. Các sản phẩm được lựa chọn đưa lên Sàn hầu hết đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như: Bưởi Đoan Hùng, cam lòng vàng, chè xanh, mì gạo Hùng Lô, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, thịt chua, tương, nón lá... Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Sàn giao dịch TMĐT tỉnh đạt từ 350 - 400 doanh nghiệp tham gia.

Được khai trương từ tháng 7/2019, sàn TMĐT voso.vn của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel nhiều tính năng nổi bật để hỗ trợ khách hàng trong mua sản phẩm như: Quét mã QR để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm và minh bạch thông tin của sản phẩm đã trở thành địa chỉ giao dịch thương mại có uy tín với nhiều khách hàng. Bên cạnh đó, sàn voso.vn còn trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp cách chụp ảnh sản phẩm, livestream bán hàng… ngay tại cơ sở sản xuất, tạo thuận lợi cho cả người bán và người mua.

Anh Cao Đăng Duy - Giám đốc HTX mì gạo Hùng Lô cho biết: Nếu như trước đây, sản phẩm mỳ gạo được bày bán chủ yếu ở các chợ truyền thống, cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm nông sản nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh, thì nay khách hàng ở khắp mọi nơi đều có thể cập nhật được thông tin, giá cả, mẫu mã và chất lượng sản phẩm thông qua những “cú click” đơn giản trên Sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) với tên miền là giaothuong.net.vn và đặt mua dễ dàng.

Sản phẩm OCOP mỳ gạo Hùng Lô
Sản phẩm OCOP mỳ gạo Hùng Lô.

Hiện nay, Sàn giao dịch TMĐT đã là một trong những kênh bán hàng hiệu quả của hợp tác xã, đã có 30% sản lượng sản phẩm tiêu thụ thông qua Sàn giao dịch TMĐT. Đây không những là kênh bán hàng hiệu quả, mà chúng tôi còn có thể cập nhật được thông tin, phản hồi của khách hàng, từ đó rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người mua.

Ông Nguyễn Tuấn Oanh - Giám đốc Hợp tác xã bưởi và dịch vụ tổng hợp xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng cho biết: Sàn TMĐT là nơi giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Việc đưa sản phẩm lên sàn đã giúp hợp tác xã mở rộng thị trường, doanh thu không ngừng tăng lên. Hơn 50% sản lượng sản phẩm tiêu thụ của hợp tác xã thông qua Sàn giao dịch TMĐT, website của hợp tác xã và các kênh bán hàng online.

Năm 2022, các cấp, ngành đã đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đặc biệt là hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể OCOP đưa sản phẩm lên các nền tảng TMĐT, góp phần mở rộng thị trường cho sản phẩm. Sở Công thương đã hỗ trợ xây dựng 5 bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai ứng dụng TMĐT. Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TMĐT cho gần 500 lượt cán bộ doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ đoàn viên thanh niên tại các huyện Yên Lập, Cẩm Khê...

Với mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 55% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến thông qua các sàn TMĐT, mạng xã hội, các ứng dụng, website bán hàng, 50% khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, 70% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử và 50% số xã, phường, thị trấn có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến...

P.V