Phú Thọ: Thu hút đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tạo đà phát triển du lịch

11:14 17/05/2022

Đẩy mạnh phát triển du lịch theo chiều sâu, chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để phát triển du lịch, điều quan trọng là phải có nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ như các điểm phục vụ du lịch, cơ sở lưu trú, hệ thống giao thông hoạt động chất lượng, hiệu quả. Do đó, Phú Thọ đã và đang tập trung kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện hạ tầng, tạo đà cho du lịch phát triển.

Thành phố Việt Trì
Thành phố Việt Trì.

Những năm qua, Phú Thọ tập trung huy động các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật nhằm phát huy giá trị của các điểm du lịch tiềm năng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ với các tuyến đường huyết mạch kết nối vùng miền để rút ngắn thời gian và lộ trình của du khách khi đến với Phú Thọ, góp phần kết nối các khu, điểm, tour, tuyến du lịch nội và ngoại tỉnh một cách hiệu quả. Giao thông đối ngoại với Cao tốc Nội Bài - Lào Cai cùng 5 nút giao tại địa bàn tỉnh; 12 cây cầu lớn nối các địa phương trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực cùng nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã được đầu tư, nâng cấp, xây mới.

Bên cạnh hạ tầng giao thông, mạng lưới điện tiếp tục được mở rộng và nâng cao chất lượng; hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển mạnh, sóng di động phủ tới 100% các xã; hệ thống Internet băng rộng cáp quang đã được đưa đến 100% số xã, phường, thị trấn; mạng viễn thông di động đã phủ sóng 3G, 4G khắp trên địa bàn toàn tỉnh; chất lượng dịch vụ được nâng lên đáp ứng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch.

Đặc biệt, Phú Thọ đã hình thành hệ thống hạ tầng then chốt các trung tâm du lịch trọng điểm như Khu Du lịch quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; Khu du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn; khu vực huyện Hạ Hòa và Đền Mẫu Âu Cơ…

Là một trong 5 trung tâm du lịch quy mô lớn của tỉnh, kiên trì mục tiêu phát triển đô thị, vươn mình trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc, Việt Trì đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều khu vui chơi giải trí, dịch vụ thương mại, công trình văn hóa như: Trung tâm thương mại BigC, Vincom, Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ; chợ thành phố và các tuyến phố đi bộ khu vực Quảng trường Hùng Vương, phố ẩm thực đường Nguyễn Du, đường Tiên Dung…

Cùng với đó, thành phố xây dựng nhiều công trình đặc sắc tạo điểm nhấn kiến trúc, văn hóa đặc trưng của thành phố lễ hội, hình thành bản sắc riêng cho thành phố Việt Trì trên nguyên tắc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lịch sử và cảnh quan thiên thiên như: Quảng trường Hùng Vương, Công viên Văn Lang… Chỉ tính giai đoạn 2016-2020, thành phố đã huy động hơn 45 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó vốn huy động cho đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn đạt gần 28 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 27% so với 5 năm trước. Hiện nay, trên địa bàn thành phố, nhiều dự án nhà ở đô thị, nhà hàng, khách sạn, nhà nghệ thuật đang được triển khai nhằm tạo không gian lưu trú ấn tượng đối với du khách. 

Khu du lịch Vườn Vua, huyện Thanh Thủy
Khu du lịch Vườn Vua, huyện Thanh Thủy.

“Phú Thọ đã vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực lớn đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, phát huy giá trị các tiềm năng du lịch. Nhờ đó, lượng du khách chọn Phú Thọ là “điểm dừng chân” tham quan, nghỉ dưỡng dài ngày không ngừng tăng lên” - ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh khẳng định.

Hạ tầng đồng bộ có thể ví như như việc “mở đường” để đón làn sóng đầu tư vào du lịch. Xác định phát triển du lịch là khâu đột phá duy nhất trong giai đoạn 2020 - 2025, Thanh Thủy đã đẩy mạnh huy động các nguồn lực, đầu tư nhiều công trình giao thông quan trọng có ý nghĩa kết nối như: Cầu Đồng Quang bắc qua sông Đà nối Thủ đô Hà Nội với Phú Thọ; đường giao thông kết nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 70B từ PhúThọ đi Hòa Bình chạy qua hầu hết các xã trên địa bàn huyện cùng nhiều tuyến tỉnh lộ, huyện lộ được nâng cấp, mở ra cơ hội phát triển du lịch cho địa phương.

Ông Nguyễn Minh Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy cho biết: Với hạ tầng liên kết, đồng bộ, Thanh Thủy trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư. Hiện nay, các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh có tổng diện tích đất hơn 350ha, vốn đầu tư trên 10 nghìn tỷ đồng, trong đó có hàng chục dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch, hình thành hệ thống các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hệ thống nhà hàng, khách sạn sang trọng trên địa bàn huyện.

Với những cơ chế, chính sách ưu đãi, thông thoáng, toàn tỉnh đã thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào phát triển du lịch với các dự án dự kiến sẽ tạo thêm điểm nhấn mới thay đổi diện mạo đô thị, dịch vụ, du lịch của Phú Thọ như: Dự án Phố đi bộ - Khu nhà ở đô thị Tiên Cát, thành phố Việt Trì, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Phú Thọ, Khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông… 

Công trường thi công Dự án Phố đi bộ - Khu nhà ở đô thị Tiên Cát, thành phố Việt Trì
Công trường thi công Dự án Phố đi bộ - Khu nhà ở đô thị Tiên Cát, thành phố Việt Trì.

Trong giai đoạn hiện nay, Phú Thọ đang tiếp tục bố trí quỹ đất để đầu tư và kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, nghỉ dưỡng nhằm mở rộng, phát triển du lịch đến các địa phương trong toàn tỉnh. Đồng thời chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; trong đó, tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án...

Tỉnh cũng chú trọng triển khai xây dựng các công trình văn hóa, thể dục thể thao, các công trình phúc lợi xã hội; sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu giữ gìn và xây dựng môi trường sinh thái của địa phương xanh, sạch, trong lành, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng.

PV