Giảm thời gian đi lại, thành phần tham dự cuộc họp được mở rộng, công việc được triển khai đồng bộ cho tất cả các xã, thị trấn chỉ trong một cuộc họp, đó là những lợi ích rõ nét mà hệ thống truyền hình trực tuyến tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đem lại.
Trước đây, mỗi khi UBND huyện hay Huyện ủy Yên Lập tổ chức họp, lãnh đạo xã Xuân Viên phải cử đại diện đi họp và lên lịch tổ chức một cuộc họp khác để triển khai nhiệm vụ ở cơ sở. Chưa kể có những khu dân cư ở xa, cán bộ khu muốn dự hội nghị ở trung tâm huyện phải di chuyển khá khó khăn. Từ năm 2020, Yên Lập đầu tư, lắp đặt hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến điểm cầu 17 xã, thị trấn với trang bị hiện đại gồm màn hình hiển thị, thiết bị cài đặt phần mềm hội nghị, camera, micro, đường truyền chuyên dùng.
Theo ông Nguyễn Khải Hoàn - Chủ tịch UBND xã Xuân Viên, huyện Yên Lập: Hệ thống truyền hình trực tuyến được đưa vào sử dụng rất hiệu quả, tiết kiệm được thời gian để giải quyết những vấn đề tại cơ sở, hạn chế tối đa việc tổ chức họp, đi lại. Không giới hạn thành phần, hệ thống truyền hình trực tuyến cho phép mở rộng đối tượng tham gia là cán bộ từ xã cho đến thôn, xóm chỉ trong một cuộc họp. Nhờ đó, cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở có thể tiếp thu trực tiếp ý kiến chỉ đạo của tỉnh, của huyện, thậm chí của trung ương.
Khi chưa có hệ thống truyền hình trực tuyến, anh Đinh Công Phương - Công chức Tư pháp của xã Xuân Viên chỉ được tham dự những cuộc họp có liên quan đến lĩnh vực hành chính, tư pháp ở cấp huyện, xã. Từ khi có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến ngay tại UBND xã, anh Phương có thể tham gia hầu hết các cuộc họp để lắng nghe, nắm chắc chủ trương. “Hội nghị trực tuyến 3 cấp tạo điều kiện cho tôi tham gia và đóng góp ý kiến của mình vào tất cả các vấn đề của tỉnh, của huyện. Từ đó giúp tôi hoàn thành tốt công việc của mình hơn. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 như hiện nay, họp trực tuyến là một trong những phương thức triển khai các nhiệm vụ công tác, nhiệm vụ phòng chống dịch nhanh chóng và hiệu quả nhất” - Anh Phương khẳng định.
Từ đầu năm đến hết tháng 9/2021, toàn tỉnh đã tổ chức 487 hội nghị bằng hình thức trực tuyến. Trong đó, có 212 hội nghị trực tuyến giữa UBND tỉnh Phú Thọ với các cơ quan của tỉnh với bộ, ngành trung ương về tỉnh; 50 hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến cấp huyện và giữa các huyện; 225 hội nghị trực tuyến từ cấp huyện đến xã, thu hút gần 200.000 lượt người tham dự. Hội nghị trực tuyến đã phục vụ đắc lực cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh.
Để hệ thống hội nghị trực tuyến hoạt động ổn định, thống nhất, phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, vận hành hệ thống trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo của tỉnh trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống. Phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị, xã, phường, thị trấn bố trí phòng họp trực tuyến đảm bảo các điều kiện theo yêu cầu; bố trí, lắp đặt các thiết bị đảm bảo tương thích với cơ sở hạ tầng hiện có, kết nối thông suốt 4 cấp để mọi thành phần dự họp đều có thể phát biểu và nghe rõ âm thanh từ hệ thống.
Các địa phương từ huyện đến cơ sở bố trí cán bộ phụ trách chủ động, sẵn sàng phối hợp với cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông và nhân viên của VNPT Phú Thọ trong việc quản lý, vận hành, duy trì và sử dụng hệ thống hội nghị trực tuyến, đảm bảo hệ thống luôn sẵn sàng vận hành, hoạt động ổn định, liên tục, an toàn, chất lượng trong mọi tình huống.
Ông Hà Anh Tuấn - Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đào tạo, hướng dẫn cán bộ cấp huyện, thành, thị, xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống họp trực tuyến. Cụ thể: Hướng dẫn đăng nhập hệ thống, cài đặt đường truyền và vận hành phiên họp; giới thiệu về các tính năng, chức năng của hệ thống, nguyên lý hoạt động của các trang thiết bị để quản lý, giảm thiểu hư hỏng trong quá trình sử dụng; hướng dẫn xử lý các sự cố phát sinh trong quá trình vận hành… Qua đó giúp các địa phương chủ động trong quá trình thiết lập các phiên họp trực tuyến từ tỉnh về huyện, xã và các phiên họp nội huyện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành các cấp chính quyền từng bước xây dựng thành công chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ.
Ông Đinh Quốc Bảo - Chủ tịch UBND xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn cho biết: Sau khi được hướng dẫn cụ thể, cán bộ của xã đã tự tin có thể bảo quản, sử dụng tốt hệ thống hội nghị trực tuyến, chủ động trong việc tổ chức các hội nghị ở địa phương. Chúng tôi sẽ kịp thời thông tin, báo cáo về Sở Thông tin và Truyền thông tình hình quản lý, vận hành, duy trì và sử dụng; những khó khăn, vướng mắc và những sự cố xảy ra (nếu có) của hệ thống để phối hợp xử lý, giải quyết.
Không chỉ góp phần thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền tử, hệ thống hội nghị trực tuyến hoạt động hiệu quả đã và đang tăng cường khả năng quản lý và chỉ đạo điều hành từ xa, phục vụ tốt nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.
PV