Phú Thọ: Khoa học công nghệ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

15:50 18/05/2023

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được tỉnh Phú Thọ chỉ đạo triển khai từ năm 2019, trong đó khoa học và công nghệ (KH&CN) đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững sản phẩm OCOP.

Sản phẩm mỳ gạo Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì) đạt OCOP 4 sao
Sản phẩm mỳ gạo Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì) đạt OCOP 4 sao.

Sau 4 năm thực hiện, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Phú Thọ bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo được sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, thu hút được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm và đã có nhiều sản phẩm OCOP đặc thù của địa phương được công nhận.

Các sản phẩm khi tham gia Chương trình OCOP đều được đánh giá theo các tiêu chí cụ thể, được phân hạng và "gắn" sao nhằm giúp nhà sản xuất, người tiêu dùng định vị được chất lượng, danh tiếng của sản phẩm. Việc này đã tạo ra một cuộc đua về nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP giữa các địa phương, giữa các chủ thể sản xuất với nhau, trong đó KH&CN đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển, nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường.

Các chương trình, kế hoạch trọng tâm của ngành KH&CN đều tập trung hướng vào tư vấn, hỗ trợ cho các thành phần kinh tế có các sản phẩm hàng hoá chủ lực, đặc thù của tỉnh, trong đó đã tập trung tư vấn, hỗ trợ các nội dung mà các cơ sở đang rất cần như: Hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và chế biến; hỗ trợ tạo lập, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm bằng các hình thức như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến như hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000; hỗ trợ tiêu chuẩn hoá sản phẩm; hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch, thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất hữu cơ...

Giai đoạn 2019 - 2022, Sở KH&CN tỉnh đã hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đề xuất các dự án đổi mới công nghệ, tiến hành kiểm tra, thẩm định và trình UBND hỗ trợ 43 dự án đổi mới công nghệ của 43 doanh nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ là 15.370 triệu đồng. Hiện đã có trên 300 quy trình công nghệ được chuyển giao và áp dụng; trên 500 cán bộ được đào tạo về quy trình công nghệ, trên 10.000 lượt người được tập huấn kỹ thuật; 354 văn bằng được bảo hộ sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ bao bì cho 50 sản phẩm.

Nón lá Sai Nga (huyện Cẩm Khê)
Nón lá Sai Nga (huyện Cẩm Khê).

Ông Khổng Danh Đạt - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ cho biết: Sở KH&CN đang tiếp tục triển khai tư vấn, hỗ trợ cho HTX nón lá Sai Nga, huyện Cẩm Khê và Làng nghề nón lá làng Rền, huyện Phù Ninh, phấn đấu kết thúc năm 2023 có thêm 4 sản phẩm nón lá đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Đồng thời, qua thực tế triển khai Chương trình OCOP, cùng với nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách, mỗi doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh đều mạnh dạn huy động các nguồn lực của mình và có nhiều cách làm hay, sáng tạo để đẩy mạnh ứng dụng KHCN nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị, chất lượng cao.

Cũng theo ông Đạt, trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống nói chung và đối với Chương trình OCOP nói riêng theo đúng chương trình, kế hoạch đã phê duyệt, trong đó sẽ nghiên cứu, đề xuất một số nội dung tư vấn, hỗ trợ mới cho các chủ thể tham gia chương trình OCCOP như: Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hỗ trợ công cụ sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.

P.V