Phú Thọ: Đẩy mạnh liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ bưởi Đoan Hùng

15:40 18/03/2023

Một số hợp tác xã (HTX ) trên địa bàn huyện Đoan Hùng đã tìm cách chế biến và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm từ bưởi với những công dụng khác nhau, góp phần gia tăng giá trị kinh tế cho cây bưởi.

Vườn bưởi tại xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng
Vườn bưởi tại xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng.

Toàn huyện Đoan Hùng hiện có trên 2.700ha trồng bưởi, trong đó có hơn 1.400ha bưởi đặc sản, tập trung nhiều tại các xã: Chí Đám, Bằng Luân, Hùng Xuyên, Hợp Nhất, Vân Đồn, Tây Cốc… Sản lượng bưởi quả có sự tăng trưởng rõ rệt từ 11.000 tấn (năm 2016) lên 29.000 tấn (năm 2022), giá trị sản phẩm ước đạt 350 tỉ đồng.

Hiện huyện Đoan Hùng có 14 HTX tham gia vào quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ cây bưởi. Các HTX đã chủ động, tích cực trong việc liên kết với các hộ dân để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng phục vụ cho hoạt động sản xuất.

HTX dịch vụ sản xuất và kinh doanh bưởi đặc sản Bằng Luân, xã Bằng Luân là một trong những đơn vị tiên phong nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm như mứt bưởi, cùi bưởi sấy khô, tinh dầu bưởi… Ông Nguyễn Tấn Oanh - Giám đốc HTX chia sẻ: Qua tìm hiểu, thấy được thị trường có nhu cầu về hoa, quả non khá cao nên chúng tôi đã thử nghiệm cung cấp cho thị trường Hà Nội, được khách hàng đón nhận. Đối với những mã bưởi xấu, khó tiêu thụ khi thu hoạch, chúng tôi đã thành công trong việc làm ra sản phẩm cùi bưởi sấy khô, mứt vỏ bưởi… giúp người trồng bưởi tăng thêm nguồn thu so với trước.

Tuy nhiên, dù bưởi Đoan Hùng đã xây dựng được thương hiệu, thị trường mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí thị trường nước ngoài song việc tiêu thụ bưởi Đoan Hùng vẫn còn gặp một số khó khăn cần tháo gỡ.

Đa dạng sản phẩm được chế biến từ bưởi của HTX dịch vụ sản xuất và kinh doanh bưởi đặc sản Bằng Luân, xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng
Đa dạng sản phẩm được chế biến từ bưởi của HTX dịch vụ sản xuất và kinh doanh bưởi đặc sản Bằng Luân, xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng.

Ông Hà Hải Long - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đoan Hùng chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất hiện nay mà người trồng bưởi trong tỉnh nói chung, huyện Đoan Hùng nói riêng đang gặp phải chính là việc tiêu thụ, bảo quản và giữ giá. Bưởi thu hoạch theo vụ nên khi đến vụ thì giá rẻ, khó tìm được nơi tiêu thụ số lượng lớn, thu nhập của người trồng bưởi bị ảnh hưởng nhiều".

Để cây bưởi phát triển ổn định, bền vững và giữ vững vị thế “cây vàng” trên đất khó, người trồng bưởi hiện nay rất cần được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn đầu tư cho sản xuất; tập huấn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế; nghiên cứu sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác nhau từ cây bưởi. Tạo điều kiện xây dựng các khâu tổ chức, quản lý sản xuất, tiêu thụ, liên kết theo chuỗi giữa doanh nghiệp - người sản xuất để tiêu thụ và hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Cùng với đó, tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất bưởi theo hướng hàng hóa, hiện đại, sản xuất theo chuỗi liên kết từ trồng - bảo quản - chế biến - tiêu thụ, áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

“Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện tập trung nguồn lực ưu tiên cho các địa phương xác định vùng trồng bưởi trọng điểm; phát huy vai trò của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bưởi, các HTX sản xuất, kinh doanh bưởi, đặc biệt trong việc liên kết, trao đổi thông tin chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ kinh phí để đầu tư thâm canh, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm", ông Hà Hải Long cho biết thêm.

P.V