Phú Thọ: 65 cây cầu thuộc dự án LRAMP làm thay đổi nhiều làng quê nông thôn

15:51 09/04/2021

Giai đoạn 2017-2020, 65 cây cầu bê tông cốt thép thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư (từ nguồn vốn ODA do WB tài trợ) được xây dựng, đi vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi đi lại, sinh hoạt, bảo đảm an toàn, mang lại diện mạo mới cho các làng bản nông thôn ở tỉnh Phú Thọ.

Cầu Dọc Váng thuộc xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ)
Cầu Dọc Váng thuộc xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ).

Là huyện thụ hưởng nhiều nhất từ dự án LRAMP với 34 cây cầu, sự đổi thay của nhiều vùng quê ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã khẳng định ý nghĩa lớn mà những cây cầu nhỏ mang lại. Trước đây, địa hình rộng, nhiều sông, suối nhỏ chia cắt khiến việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa của nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Từ Dự án LRAMP, những cây cầu dân sinh được xây dựng giúp người dân thuận tiện trong sinh hoạt và giao thương, yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, từng bước xây dựng cuộc sống mới no ấm.

Xóm Bến Đình, xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn bị chia cắt bởi suối Dọc Váng. Người dân trong xóm muốn đi tới đường lớn phải đi vòng 3km. Nhiều năm trước đây, bà con dựng một cây cầu tre để đi lại cho tiện, tuy nhiên cầu chỉ có thể đi bộ, không chịu được các phương tiện di chuyển khác. Chưa kể mùa nước lên tràn qua cầu, đi lại rất nguy hiểm. Ước mơ có một cây cầu kiên cố để của người dân trở thành hiện thực vào năm 2018, khi một trong những cây cầu đầu tiên trong dự án LRAMP được xây dựng tại đây. Cầu có kết cấu dầm T, chiều dài 15m, rộng 3m, cho phép các ô tô qua lại.

Bà Đinh Thị Lý - xóm Bến Đình chia sẻ: Trước kia “cầu tre lắt lẻo”, người già muốn qua cầu hay các cháu nhỏ đi học vừa vất vả, vừa nguy hiểm, nhất là mùa mưa lũ nước suối dâng cao. Sau nhiều năm chờ đợi, bây giờ người dân chúng tôi đã có cây cầu mới bằng bê tông cốt thép kiên cố, giúp đi lại, vận chuyển nông sản an toàn, thuận tiện hơn.

“Trong xã có 2 cây cầu thuộc Dự án LRAMP bắc qua suốt Reo và Dọc Váng. Các cầu đều được đầu tư kiên cố, không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đi lại của bà con mà còn đem lại lợi ích kinh tế lớn đối với người dân các thôn, xóm trong xã. Người dân có điều kiện đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển dịch vụ. Tương lai trên địa bàn xã sẽ xây dựng cụm công nghiệp Thục Luyện, nhu cầu đi lại, giao thương càng nhiều hơn. Do đó, sau khi cầu hoàn thành được bàn giao lại cho địa phương quản lý, chúng tôi đã tổ chức cho người dân thường xuyên giám sát, kiểm tra để cầu phát huy hiệu quả lâu dài”, ông Đỗ Thành Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Thục Luyện cho biết. 

Câu Suối Reo, Thục Luyện, Thanh Sơn (Phú Thọ)
Câu Suối Reo, Thục Luyện, Thanh Sơn (Phú Thọ).

Đối với khu 6, xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê bị chia cắt bởi ngòi Lùi Úng, người dân bên hữu ngạn muốn sang bên tả ngạn phải đi vòng 3km. Cuối tháng 12/2017, cây cầu dân sinh trong dự án LRAMP được triển khai trên địa bàn xã ngay cạnh cây cầu được làm tạm trước đây. Cầu có kết cấu dầm T, chiều dài 27m, rộng 3,5m (tính cả lan can), trị giá 1,4 tỷ đồng. Ông Lê Kim Toàn, người dân trong khu cho biết: “Ngóng trông cây cầu đã lâu, suốt quá trình dựng cầu, bà con chúng tôi ngày nào cũng ra hỏi thăm, động viên các anh em công nhân thi công. Cầu xây xong, mơ ước thành hiện thực, bà con đi lại thuận tiện nên ai nấy đều phấn khởi”.

Ông Tống Anh Thức - Chỉ huy trưởng công trường, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Lạc Hồng - đơn vị thi công cầu, cho biết: “Trong thời gian triển khai xây dựng cầu, việc triển khai thi công thuận lợi do được sự ủng hộ rất lớn của chính quyền và người dân địa phương. Mặc dù cầu có quy mô nhỏ, nhưng chúng tôi xác định nó có ý nghĩa lớn đối với người dân nơi đây, vì vậy chúng tôi nỗ lực xây dựng đảm bảo tiến độ, chất lượng để người dân sử dụng lâu dài.”

Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý đường địa phương - LRAMP đã đầu tư 65 cầu với tổng mức đầu tư 135,79 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Trong đó có 9 huyện được thụ hưởng là: Tân Sơn 8 cầu, Hạ Hòa 5 cầu, Yên Lập 12 cầu, Thanh Sơn 34 cầu, còn lại Cẩm Khê, Phù Ninh, Thanh Thủy, Tam Nông mỗi huyện từ 1 đến 2 cầu. Đến hết năm 2020, 65/65 cầu đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Dự án LRAMP là một trong những khoản ODA lớn nhất mà WB từng tài trợ để phát triển hạ tầng khu vực nông thôn Việt Nam với tổng số tiền 385 triệu USD. Trên địa bàn Phú Thọ có hàng trăm cây cầu tạm bắc qua suối, ngòi, kênh, mương, nhưng 65 cầu trong dự án đều nằm ở những vị trí cấp thiết nhất. Các công trình có quy mô nhỏ, giá trị từ 1 - 2 tỷ đồng nhưng có ý nghĩa lớn, giúp người dân đi lại an toàn, thuận tiện, xóa bỏ chia cắt cộng đồng, kết nối giữa các vùng nhằm góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng còn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

PV