Phú Thọ: 4 di sản được đưa vào Danh mục Di sản phi vật thể Quốc Gia năm 2023

19:23 12/02/2024

Năm 2023, Phú Thọ vinh dự có 4 di sản được đưa và Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, nâng tổng số Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia của tỉnh lên 15 di sản.

Lễ rước kiệu đền Du Yến (xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba)
Lễ rước kiệu đền Du Yến (xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba).

Năm 2023, 4 di sản được đưa và Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Lễ hội đền Du Yến; Lễ hội rước Chúa Gái; Lễ mở cửa rừng của người Mường; Nghề làm bánh chưng, bánh giầy thành phố Việt Trì, huyện Cẩm Khê, Tam Nông.

Lễ hội Đền Du Yến (xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba) được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm để ghi nhớ công lao của bà Nguyễn Thị Hạnh (Hạnh Nương) - nữ tướng thời Hai Bà Trưng đã có công đánh đuổi giặc Đông Hán.

Cứ mỗi dịp xuân về, người dân xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba và các du khách gần xa lại nô nức cùng nhau trẩy hội đền Du Yến cầu mong cho mưa thuận gió hòa, gia đình êm ấm và cũng răn dạy cháu con về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” về đạo lý cha ông.

Đoàn rước Lễ hội Rước Chúa Gái (thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao)
Đoàn rước Lễ hội Rước Chúa Gái (thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao).

Lễ hội Rước Chúa Gái (thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao) hay còn gọi là Lễ hội Làng He được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng hằng năm gắn với truyền thuyết Vua Hùng thứ 18 kén rể cho Công chúa Ngọc Hoa. Lễ hội rước Chúa Gái là hình thức nguyên sơ của Lễ hội Đên Hùng trước Cách mạng tháng Tám, mang đậm nét văn hóa dân gian vùng Đất Tổ.

Lễ hội Rước Chúa Gái mang đậm nét văn hóa dân gian phản ánh đời sống văn hóa, phong tục tập quán của Nhân dân ta từ thời đại Hùng Vương được Nhân dân địa phương lưu giữ và phát huy, đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Nghi lễ săn bắn thú rừng trong Lễ hội Mở Cửa Rừng ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập
Nghi lễ săn bắn thú rừng trong Lễ hội Mở Cửa Rừng ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập.

Lễ hội Mở Cửa Rừng (xã Minh Hòa, huyện Yên Lập) được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng hằng năm với ý nghĩa mở ra một mùa săn bắt, hái lượm mới của người Mường và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Đây là một trong số những lễ hội gắn với tín ngưỡng cầu mùa, canh tác của người Mường cổ.

Việc Lễ hội Mở cửa Rừng của người Mường ở Phú Thọ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là động lực giúp cộng đồng người Mường nơi đây tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Bánh chưng Đất Tổ của Hợp tác xã nông thương Đất Tổ, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê
Bánh chưng Đất Tổ của Hợp tác xã nông thương Đất Tổ, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê.

Nghề làm bánh chưng, bánh giầy thành phố Việt Trì, huyện Tam Nông, Cẩm Khê nằm trong dòng chảy Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của cư dân Việt, bánh chưng, bánh giầy được gắn với câu chuyện huyền sử về lòng hiếu thảo của Hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương dựng nước.

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, tục làm bánh chưng, bánh giầy đã được cộng đồng người dân Phú Thọ nói riêng và cộng đồng người Việt nói chung gìn giữ bảo tồn và lan tỏa, trở thành nhu cầu của đời sống thường nhật, thành phong tục tập quán của người Việt, đặc biệt trong các dịp lễ Tết.

Quốc Huy