Bài 1: Giả mạo tài liệu xin cấp Giấy chứng nhận Đăng kí kinh doanh
Bên bị mất quyền Chủ tịch HĐQT đã tố cáo kêu cứu, bên chiếm quyền cũng thừa nhận sai trong việc thiết lập hồ sơ xin đăng ký kinh doanh thay đổi (thay đổi Người đại diện theo pháp luật). Nhưng Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh Hưng Yên vẫn không thu hồi lại GCN đăng ký kinh doanh thay đổi đã ban hành, làm cho doanh nghiệp mất yên ổn và rơi vào cảnh đáo tụng đình.
Cú lật đổ ngoạn mục
Câu chuyện hy hữu này xảy ra đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phúc Hưng (gọi tắt là Công ty Phúc Hưng), trụ sở tại TP Hưng Yên. Bên chiếm quyền là bà Nguyễn Thị Ánh trong nhóm người nhận chuyển nhượng 27 triệu cổ phần từ Chủ tịch HĐQT Đào Văn Chiến. Tuy mới trả gần nửa số tiền theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, chưa có biên bản thanh lý hợp đồng, chưa được cấp GCN cổ phần, chưa được công nhận là cổ đông của công ty, chưa có tên trong Sổ cổ đông (danh sách cổ đông) theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhưng nhóm người mua cổ phần đã tự coi mình là cổ đông của công ty và lợi dụng con dấu công ty có trong tay, nhóm người này đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông mà không mời các cổ đông sáng lập tham gia họp. Cuộc họp này đã bầu ra HĐQT mới gồm 3 cá nhân là những người mua cổ phần, HĐQT này bầu ra Chủ tịch mới của HĐQT và Người đại diện theo pháp luật mới của công ty là bà Nguyễn Thị Ánh. Với tư cách mới này, bà Nguyễn Thị Ánh đã chỉ đạo thiết lập hồ sơ gửi Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Hưng yên (gọi tắt là Phòng ĐKKD tỉnh Hưng Yên) đề nghị cấp GCN ĐKKD thay đổi có nội dung bà Ánh là Chủ tịch HĐQT- Người đại diện theo pháp luật mới của công ty.
Ngày 11/12/2017 Phòng ĐKKD tỉnh Hưng Yên đã chấp nhận hồ sơ sau đó đã cấp GCN ĐKKD thay đổi lần thứ 8 có nội dung Nguyễn Thị Ánh là Chủ tịch HĐQT, là Người đại diện theo pháp luật của Công ty Phúc Hưng. Kể từ đó, ông Đào Văn Chiến bỗng dưng mất chức Chủ tịch HĐQT và Thành viên HĐQT, 4 cổ đông sáng lập khác cũng bị loại ra HĐQT.
Bài học đắt giá
Theo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2017/HĐCNCP/HASCO-CHIEN ngày 31/10/2017, Bên chuyển nhượng là ông Đào Văn Chiến- Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Hưng, Bên nhận chuyển nhượng là 3 cá nhân là Nguyễn Thị Ánh, Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Văn Minh và 2 pháp nhân là Công ty Cổ phần Tập đoàn HASCO và Công ty Cổ phần Quản lý Đầu tư HASCO CAPITAL đều do bà Nguyễn Thị Ánh là chủ sở hữu và đều có địa chỉ tại 70 Vũ Phạm Hàm- Cầu Giấy, Hà Nội. Số cổ phần chuyển nhượng là 27 triệu cổ phần, chiếm 90% vốn điều lệ. Giá trị hợp đồng là 68,8 tỷ đồng (làm tròn). Tưởng bên nhận chuyển nhượng thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng, nên khi mới nhận được 5 tỷ đồng đặt cọc, ông Đào Văn Chiến đã bàn giao con dấu, GCN QSD đất, hồ sơ pháp lý dự án Khu nhà ở TM và DV Phúc Hưng cho bên nhận chuyển nhượng cổ phần. Mọi rắc rối bắt đầu phát sinh từ con dấu và những giấy tờ tài liệu quan trọng này.
Lợi dụng có con dấu, chỉ một tháng 5 ngày sau ngày có con dấu trong tay, nhóm cá nhân và pháp nhân bên mua cổ phần đã tự coi mình là cổ đông và tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông nhưng không mời những cổ đông sáng lập có tên trong Sổ cổ đông. Cuộc họp này đã bầu ra HĐQT mới gồm toàn bộ 3 cá nhân bên mua cổ phần, HĐQT mới bầu bà Nguyễn Thị Ánh là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và là Người đại diện theo pháp luật của Công ty Phúc Hưng. Từ kết quả cuộc họp ĐHĐCĐ và HĐQT ngày 5/12/2017 này, Phòng ĐKKD tỉnh Hưng Yên đã cấp GCN ĐKKD thay đổi lần thứ 8 ngày 12/12/2017 có nội dung bà Nguyễn Thị Ánh là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và là Người đại diện theo pháp luật của Công ty Phúc Hưng.
Khoản 1 Điều 211 Luật Doanh nghiệp quy định: Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp 1. Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây: a) Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo; b) Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 18 của Luật này thành lập; c) Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế; d) Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 209 của Luật này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản; đ) Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án.
Kêu mãi nhưng vẫn không được cứu
Phải hơn 2 tháng sau, ông Đào văn Chiến mới tình cờ biết được thông tin về GCN ĐKKD thay đổi lần thứ 8, ông đã nhiều lần gửi đơn đến Phòng ĐKKD tỉnh Hưng Yên đề nghị thu hồi và hủy GCN ĐKKD thay đổi lần thứ 8 vì tài liệu trong hồ sơ xin cấp GCN ĐKKD thay đổi lần này có tài liệu giả mạo là Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, Quyết định của ĐHĐCĐ, Biên bản họp HĐQT, Quyết định của HĐQT. Lập luận mà ông Chiến đưa ra là nhóm nhận chuyển nhượng cổ phần chưa hoàn tất thanh toán, chưa thanh lý hợp đồng, chưa hoàn thành thủ tục chuyển nhượng và không có tên trong Sổ cổ đông như quy định tại Khoản 5 Điều 13 của Điều lệ công ty, nên chưa phải là cổ đông của Công ty Phúc Hưng. Do vậy, nhóm nhận chuyển nhượng không có quyền triệu tập hoặc tham gia họp ĐHĐCĐ. Ông Chiến cũng lập luận, ông và 4 cổ đông sáng lập cũng không được biết về cuộc họp ĐHĐCĐ ngày 5/12/2017 này.
Văn bản trả lời của Phòng ĐKKD tỉnh Hưng Yên về việc không thu hồi GCN ĐKKD lần 8.
Mặc cho sự kêu cứu của ông Đào Văn Chiến và sự thừa nhận của bên chiếm quyền là bà Nguyễn Thị Ánh, Phòng ĐKKD tỉnh Hưng Yên vẫn nhiều lần khẳng định bằng văn bản đã thực hiện đúng quy định khi cấp GCN ĐKKD lần 8 cho doanh nghiệp này, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, trung thực, chính xác của các thông tin kê khai... nên không đủ căn cứ hủy bỏ nội dung đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp lần 8.
Câu chuyện tưởng chừng đơn giản, bên mất quyền và bên chiếm quyền đều đồng thanh đề nghị thu hồi, hủy bỏ GCN ĐKKD đã cấp lần thứ 8, nhưng Phòng ĐKKD tỉnh Hưng Yên không giải quyết, làm cho doanh nghiệp mất yên ổn, những người trong cuộc đành kéo nhau ra Tòa án Nhân dân tỉnh Hưng yên để nhờ phân xử.
Vấn đề ở chỗ, nội dung vụ việc quá đơn giản, rõ ràng, không đến mức phải kéo nhau ra Tòa nếu Phòng ĐKKD tỉnh Hưng Yên thấy rõ được tính không hợp lệ của hồ sơ xin thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Phòng ĐKKD có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ để chấp nhận hay không chấp nhận nội dung xin thay đổi ĐKKD theo quy định tại Khoản 1 Điều 14, Khoản 2 Điều 43 Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp. Trong trường hợp này, Phòng ĐKKD chỉ cần đối chiếu nhân sự họp ĐHĐCĐ, họp HĐQT lần này với nhân sự họp ĐHĐCĐ, họp HĐQT xin thay đổi nội dung ĐKDN lần thứ 7 đang lưu giữ tại Phòng ĐKKD sẽ phát hiện ngay nhân sự của 2 lần là khác nhau hoàn toàn, hồ sơ lần này không có tài liệu nào chứng minh nhân sự ĐHĐCĐ và HĐQT là kế thừa hợp pháp. Như vậy, đủ căn cứ xác định hồ sơ này không hợp lệ để hướng dẫn doanh nghiệp bổ sung đáp ứng yêu cầu về tính hợp lệ của hồ sơ.
Bên mất quyền chứng minh tài liệu trong hồ sơ là giả mạo, bên chiếm quyền thừa nhận sai khi tạo ra những tài liệu này, như vậy đã quá đủ để khẳng định tài liệu là giả mạo. Khoản 1 Điều 63 Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, quy định “Trường hợp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là giả mạo thì Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo về hành vi vi phạm của doanh nghiệp và hủy bỏ những thay đổi trong nội dung đăng ký doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở các thông tin giả mạo và khôi phục lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp trên cơ sở hồ sơ hợp lệ gần nhất, đồng thời thông báo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.”
Được biết, Tòa án Nhân dân tỉnh Hưng Yên đã có Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Phiên tòa sẽ được mở trong thời gian gần đây, doanhnghiephoinhap.vn sẽ theo dõi diễn biến và thông tin kết quả xét xử tới bạn đọc.
Đức Tuất