Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ áp lực với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội

16:05 15/04/2021

Tin từ Cổng thông tin điện tử Quốc hội, ngày 15/4, tại Hà Nội, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm với người ứng cử đại biểu Quốc hội lần đầu thuộc khối cơ quan Quốc hội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định đại biểu Quốc hội chuyên trách là hạt nhân trong hoạt động của Quốc hội, chất lượng hoạt động cả Quốc hội hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội có sự đóng góp quan trọng của đại biểu Quốc hội chuyên trách. 

Quang cảnh Hội nghị/ ảnh baolaodong
Quang cảnh Hội nghị/ ảnh baolaodong.

Việc lựa chọn đảm bảo chất lượng số lượng đại biểu quốc hội chuyên trách trước hết là trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời phải có sự nỗ lực cố gắng về trình độ, năng lực tiềm năng thế mạnh của mỗi ứng cử viên.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, khi giới thiệu người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan đều mong muốn người được giới thiệu sẽ trúng cử 100%. Tuy nhiên, quyền quyết định lựa chọn cuối cùng thuộc về cử tri và cử tri sẽ rất sáng suốt lựa chọn để bầu đại biểu Quốc hội có chất lượng.

Tại thời điểm này, hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ hai đều đã hoàn thành. Ông Mẫn cho biết dự kiến Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập, chủ trì diễn ra ngày 16/4 để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội ở trung ương.

Với mỗi ứng cử viên ở các vị trí công tác khác nhau, độ tuổi, chuyên môn, điều kiện hoàn cảnh khác nhau, địa bàn ứng cứ phong tục tập quán mỗi nơi khác nhau; bên cạnh đó không khí dân chủ, dân trí của cử tri ngày càng được nâng lên, những gửi gắm mong muốn của lãnh đạo địa phương và cử tri ngày càng cụ thể, kỳ vọng cao hơn do đó yêu cầu đặt ra đối với mỗi ứng cử viên là rất lớn, Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chia sẻ với những áp lực mà các ứng cử viên đại biểu Quốc hội phải đối mặt nhất là các ứng cử viên lần đầu, Phó chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong các ứng viên trong các hội nghị tiếp xúc cử tri tới đây không quá áp lực, biết thế mạnh của bản thân.

Ông cũng lưu ý các ứng viên cố gắng tìm hiểu tình hình thực tế tại địa phương, lường trước các tình huống thực tế đặt ra để có trách nhiệm giao tiếp, trao đổi hợp lý, trình bày chương trình hành động ngắn gọn, thuyết phục, chuẩn bị tập luyện từ phong cách thần thái đến nội dung chương trình hành động, kỹ năng vận động quần chúng sao cho tự tin chân thành hấp dẫn, phát huy kinh nghiệm và kiến thức có được trong môi trường công tác tại Quốc hội để cử tri có thiện cảm ấn tượng và tin tưởng bỏ phiếu.

Liên quan đến ứng viên đại biểu Quốc hội chuyên trách, kết quả sau hội nghị hiệp thương lần 2 có 130 người ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách được các cơ quan trung ương giới thiệu. Các tỉnh, thành cũng đã quy hoạch và giới thiệu 67 người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương, Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa, Nghệ An được quy hoạch 2 đại biểu chuyên trách, các tỉnh thành còn lại được 1 người.

Tuy nhiên, Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai cũng cho thấy đang còn những băn khoăn lớn với một số ứng viên được giới thiệu ứng cử bầu làm đại biểu Quốc hội chuyên trách nhiệm kỳ mới.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Ngô Tự Nam trình bày các chuyên đề, kinh nghiệm, kỹ năng tiếp xúc với cử tri, vận động ứng cử...

Theo chương trình, Hội nghị sẽ được tiến hành trong 2 ngày, 15 và 16.4.

An Nguyên

Tags: