Sáng 6/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Phát biểu thảo luận tại tổ số 2, đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho biết, nhiều cử tri và tổ chức có ý kiến về việc cần sửa ngay và bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt để nâng mức thuế đối với một số sản phẩm hàng hóa, đặc biệt đối với thuốc lá và đồ uống có cồn.
“Đây là thời điểm để chúng ta có thể vừa đảm bảo bảo vệ sức khỏe của người dân, vừa có nguồn thu, tăng thu ngân sách, vừa giảm các thiệt hại khác và các hệ lụy về mặt xã hội, điều này rất cần thiết và thực hiện được ngay”, ông Hoàng Anh nói.
Vị đại biểu đoàn Gia Lai đưa ra dẫn chứng, hiện nay, Việt Nam đánh thuế đối với thuốc lá là 75%, với khoảng 15 triệu người hút 1 năm, dành 31 nghìn tỷ đồng để mua thuốc lá và chi phí y tế về các bệnh liên quan đến thuốc lá là 24 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, chỉ cần nâng thuế lên khoảng 85% hoặc đánh thuế trực tiếp nâng lên 5 nghìn đồng/bao thì có thể thu lại được hàng chục nghìn tỷ đồng. Đối với đồ uống có cồn trên 20 độ, Việt Nam quy định là 65% thuế thì có thể nâng lên 85%, tương tự bia cũng đang đánh thuế 65% và có thể nâng lên.
Theo ông Lê Hoàng Anh, Việt Nam đang xếp nhóm đầu các quốc gia tiêu thụ mạnh nhất về bia trong 3 năm gần đây, riêng bia là xếp thứ 10 thế giới và thứ 3 châu Á.
Tuy nhiên, thiệt hại kinh tế do bia mang đến cho chúng ta khoảng 65 nghìn tỷ đồng, chi phí y tế cho 6 loại ung thư từ rượu bia là 26 nghìn tỷ đồng và giải quyết tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia thì mất khoảng 50 nghìn tỷ đồng.
“Thiệt hại rất lớn. Tôi cho rằng trong thời điểm này, chúng ta có thể sửa ngay được”, ông Lê Hoàng Anh kiến nghị.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP.HCM) cho biết, theo thống kê của Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng) và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), qua 3 năm thi hành Luật An ninh mạng đã có hơn 150 vụ lộ lọt tài liệu bí mật trên không gian mạng, trong đó có cả tài liệu tuyệt mật, tối mật.
Nguyên nhân ngoài sức kiểm tra, kiểm soát bởi các sản phẩm dịch vụ từ nước ngoài cung cấp, kể cả sản phẩm sản xuất trong nước.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức nhận định, Luật An ninh mạng hiện hành chưa quy định khái niệm về sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng nên thực tiễn đặt ra cấp thiết để xây dựng hành lang pháp lý, quy định pháp luật để quản lý nhà nước các sản phẩm này.
“Xây dựng quy định pháp luật để tạo cơ sở pháp lý để xây dựng nghị định về an toàn thông tin, tạo cơ chế quản lý cho các lực lượng an ninh mạng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực thi nhiệm vụ”, ông Đức nói.
Cùng về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Đoàn Gia Lai) băn khoăn việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong.
Đại biểu Phương cho rằng dự thảo chưa đưa ra được khái niệm, chưa đưa ra được sản phẩm của dịch vụ an ninh mạng thì không rõ nội hàm để bổ sung điều kiện kinh doanh.
“Căn cứ để đưa ngành nghề này vào danh mục chưa được vững chắc, chưa có cơ sở”, bà Mai Phương nói.
Ngoài ra, liên quan đến việc sửa đổi nội dung sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trong Luật Đầu tư là chính sách lớn, tác động đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai, có thể tác động đa chiều, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cũng đề nghị làm rõ, đánh giá thêm thực sự sửa đổi luật sẽ giải quyết vướng mắc trên thực tế hiện nay hay không và liệu phát sinh vướng mắc gì sau khi sửa nữa hay không.
XUÂN TRƯỜNG - QUANG TUYỀN