Phát triển nông lâm kết hợp: Lấy ngắn nuôi dài, tạo nguồn thu ổn định

07:48 09/06/2021

Trong bối cảnh hiện nay, khi đã đóng cửa rừng tự nhiên thì việc thúc đẩy trồng rừng là yêu cầu cấp thiết để tạo nguồn nguyên liệu gỗ cung ứng cho công nghiệp chế biến. Bên cạnh việc lựa chọn các loài cây trồng rừng phù hợp, có giá trị kinh tế cao thì song song kết hợp phát triển các mô hình nông lâm kết hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội, lấy ngắn nuôi dài cũng mang lại nguồn thu ổn định.

Là một trong những địa phương có đất lâm nghiệp của huyện Sóc Sơn, xã Hồng Kỳ đã có nhiều giải pháp đưa kinh tế lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mang lại hiệu quả cao. Nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các mô hình sinh kế hỗ trợ, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Mô hình sản xuất cây giống lâm nghiệp của gia đình bà Trịnh Thị Sinh, ở thôn 7 là ví dụ. Cách đây 5 năm, gia đình bắt tay vào sản xuất giống cây lâm nghiệp. Trên diện tích 1ha nhận thầu khoán của chính quyền và nhân dân địa phương, bà Sinh đã cải tạo đất, mua cây giống về canh tác. Không những đem lại thu nhập cho gia đình, bà Sinh còn tạo việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng. 

Phát triển các mô hình nông lâm kết hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội, lấy ngắn nuôi dài cũng mang lại nguồn thu ổn định. Ảnh: Internet
Phát triển các mô hình nông lâm kết hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội, lấy ngắn nuôi dài cũng mang lại nguồn thu ổn định. Ảnh: Internet.

Tận dụng lợi thế có diện tích đất lâm nghiệp lớn, khoảng 50 hộ gia đình thuộc các thôn 6 và 7 xã Hồng Kỳ cũng đang đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi năm, người dân nơi đây cung ứng cho thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước hàng triệu cây giống lâm nghiệp. Từ sự nhạy bén, năng động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kinh tế nông lâm ở xã Hồng Kỳ đã đem lại hiệu quả rõ nét, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng đi lên.

Xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, nhiều địa phương có rừng của Hà Nội cũng tích cực triển khai xây dựng các mô hình sinh kế hỗ trợ, cải thiện đời sống người dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, qua nghiên cứu khảo sát lựa chọn 42 mô hình nông lâm kết hợp với 6 mô hình ở mỗi huyện, trong đó, có 5 mô hình chính: Cây dược liệu, cây thực phẩm dưới tán rừng tự nhiên; vườn nhà với cây rừng; vườn nhà với cây công nghiệp; vườn nhà với cây ăn quả; vườn - ao - chuồng - rừng đều phát huy hiệu quả kinh tế. Mô hình cây dược liệu, cây thực phẩm dưới tán rừng tự nhiên là ví dụ. Tại một số địa phương có rừng đã trồng cây rau sắng ở khu vực đất trống dưới tán rừng cây gỗ tự nhiên hoặc xen kẽ với tre, nứa, bương. Khoảng 5 năm kể từ khi trồng sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên, trung bình 1ha trồng rau sắng khoảng 10 năm tuổi thu hoạch được 50-60kg rau/vụ/năm, giá bán trung bình từ 250.000 đến 1.000.000 đồng/kg.

Hay mô hình vườn nhà với cây ăn quả có ở hầu hết 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Sóc Sơn và Sơn Tây) có rừng. Lợi ích của mô hình thu được khá đa dạng sản phẩm nông sản, tận dụng tối đa diện tích đất canh tác để sản xuất. Các loại cây ăn quả nhanh cho thu hoạch. Nếu trồng ổi, sau 1 năm đã bắt đầu cho thu hoạch, trung bình mỗi cây ổi ở năm thứ hai cho thu hoạch 10-12kg, năm thứ 4 cho thu hoạch 40-50kg/cây và tăng dần qua các năm. Theo tính toán, với giá bán khoảng 10.000 đồng/kg, thì đến năm thứ 4 có thể thu 500.000 đồng/gốc.

Do có sự đa dạng các mô hình nông lâm kết hợp nên đã đóng góp không nhỏ vào các vấn đề công ích xã hội của các địa phương. Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, bên cạnh việc lựa chọn cây trồng rừng phù hợp, người dân địa phương đã song song kết hợp phát triển các mô hình nông lâm kết hợp, lấy ngắn nuôi dài hướng đến mục tiêu phát triển rừng bền vững. Còn theo Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh, hiệu quả của các mô hình nông lâm kết hợp khá rõ, nhất là giải quyết việc làm cho người dân địa phương, vừa tạo điều kiện tăng thu nhập cho nông hộ, lại hạn chế được tệ nạn xã hội. Cuộc sống của nông hộ đi vào ổn định, tỷ lệ các hộ nghèo giảm đi rõ rệt, chênh lệch giàu nghèo cũng được rút ngắn trên địa bàn các xã của huyện…

Nói về mô hình phát triển nông lâm kết hợp của địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho rằng, việc phát triển kinh tế hộ theo hướng nông lâm kết hợp còn tạo điều kiện cho các nông hộ có điều kiện giao lưu, tham quan học hỏi và trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nông lâm nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò tầm quan trọng của rừng và đất rừng cũng như ý thức về bảo vệ ròng, khai thác, sử dụng một cách hợp lý, có hiệu quả lâu dài, bền vững phục vụ cho nhu cầu và lợi ích của các nông hộ trên địa bàn huyện Thạch Thất.

Đánh giá hiệu quả về mặt môi trường, ông Lê Minh Tuyên cho hay, các mô hình nông lâm kết hợp đang được áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội đều góp phần giải quyết tốt các vấn đề về môi trường, bảo đảm nguồn không khí trong lành. Điều dễ dàng nhận thấy là rừng trồng và vườn của các nông hộ đã dần phủ xanh làm tăng độ che phủ của thành phố. Sản xuất nông lâm kết hợp là hình thức canh tác mang lại giá trị kinh tế xanh, góp phần sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đất đai một cách hiệu quả.

Với những kết quả đạt được kể cả về mặt kinh tế, xã hội, việc chọn hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế nông lâm kết hợp là bước đi đúng và trở thành “bệ đỡ” giúp các xã, nhất là ở khu vực miền núi thực hiện tốt công tác xóa nghèo bền vững để tạo diện mạo mới. Được biết, để phát triển mô hình nông lâm kết hợp gắn phát triển kinh tế với phát triển rừng trên địa bàn thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp tích cực với các địa phương tham mưu thành phố cơ chế, chính sách hỗ trợ để người dân yên tâm phát triển sản xuất. Song, để kinh tế nông lâm kết hợp có thể duy trì phát triển, ngoại sự vào cuộc của các cấp, các ngành thành phố, thì bản thân người dân cũng cần phải nỗ lực vượt khó, linh hoạt, nhạy bén để thúc đẩy phát triển sản xuất, có như vậy mới đem lại nguồn thu ổn định, hiệu quả kinh tế cao. 

L.M