Phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế để thu hút đầu tư có chất lượng và trọng điểm

08:05 24/11/2020

Trong giai đoạn 2016-2019, khu công nghiệp, khu kinh tế nộp Ngân sách nhà nước trên 400 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tại một số nơi quy hoạch và phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư

8,5 tỷ USD đổ vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong 9 tháng

Ảnh minh họa

Thành tựu đáng khích lệ

Sau gần 30 năm kể từ khi Khu chế xuất Tân Thuận - khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam được thành lập, Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng trong phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế. 

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 369 khu công nghiệp được thành lập (gồm cả các khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế) tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích gần 114 nghìn ha; 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 ngàn ha.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam.

Vốn đầu tư thực hiện, gồm vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế và vốn đầu tư của dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt khoảng 27,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016 - 2019. Trong giai đoạn 2016-2019, khu công nghiệp, khu kinh tế nộp Ngân sách nhà nước trên 400 nghìn tỷ đồng.

Tại một số địa phương, tỷ lệ thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng trên 60% tổng thu Ngân sách nhà nước của địa phương như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng...; tạo việc làm hơn 3,8 triệu lao động trực tiếp, chiếm khoảng 7% lực lượng lao động của cả nước

Các KCN, KKT có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Trong ảnh: Khu công nghiệp DEEP C tại Hải Phòng. Ảnh: Thanh Sơn

 Khu công nghiệp DEEP C tại Hải Phòng. Ảnh: Thanh Sơn

Khó khăn, hạn chế vẫn còn đó

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh tại Hội thảo báo cáo tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế rằng việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian vừa qua tuy có những thành tựu nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế.

Tại một số nơi quy hoạch và phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư, chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường; việc tập trung các khu công nghiệp tại một số địa phương, tuyến quốc lộ gây áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực xung quanh khu công nghiệp; chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất tại khu công nghiệp, khu kinh tế còn chưa cao.

Bên cạnh đó, khu công nghiệp và khu kinh tế phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế còn thấp so với nhu cầu.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cũng cho biết, đến nay, các quy định của pháp luật có những điều chỉnh, gây ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, KCN. Chẳng hạn, từ tháng 7/2019, UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận/huyện đã ngừng ủy quyền cho Hepza giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường. Hay trong lĩnh vực thương mại, theo quy định tại Thông tư số 19/2020/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 14/8/2020, thì Ban Quản lý không thuộc danh mục các tổ chức cấp C/O mẫu D…

Đề xuất các giải pháp, kiến nghị

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, có 3 nhóm vấn đề được tập trung trao đổi để phát triển KCN, KKT trong thời gian tới. Đó là: khung pháp lý cho phát triển KCN, KKT; phát triển mô hình mới; đổi mới bộ máy quản lý nhà nước đối với KCN, KKT. Đây là những vấn đề quan trọng, liên quan đến chủ trương, định hướng của Chính phủ trong thời gian tới.

Được biết, đây cũng là những chủ đề được trao đổi tại Hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển KCN, KKT do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. “Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, phối hợp nghiên cứu của các bộ, ngành, địa phương liên quan, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Trong khi đó, ông Hà Văn Cung, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ điều chỉnh Nghị định số 82/2018/NĐ-CP theo hướng áp dụng thiết chế phân cấp cho ban quản lý KCN, KKT thay cơ chế ủy quyền hiện nay.

Đại diện các ban quản lý KCN, KKT ở nhiều địa phương kiến nghị, UBND cấp tỉnh trong thời gian chờ điều chỉnh các văn bản về quản lý các KCN, KKT, cần phân cấp ngay một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền nhưng chưa phân cấp hoặc đang phân cấp một phần hoặc đang thực hiện theo cơ chế ủy quyền đối với các lĩnh vực về quản lý môi trường, xây dựng, lao động…

Ngoài ra, để hoạt động của các ban quản lý ổn định, lâu dài, tương xứng với vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, kiến nghị ngành chức năng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua luật về quản lý KCN, KKT…

Để có 1 bộ mặt phát triển toàn diện, có chiều sâu trong thu hút đầu tư có chất lượng và trọng điểm như hiện nay, các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) Việt Nam đã trải qua hành trình 30 năm xây dựng và không ngừng phát triển.

Giai đoạn 1991 - 2000: Thí điểm và từng bước nhân rộng mô hình KCX, KCN và KKT cửa khẩu.

Giai đoạn 2001 - 2010: Phát triển mạnh các KCN, thành lập thêm một số KKT cửa khẩu và triển khai mô hình mới - KKT ven biển.

Giai đoạn 2011 - nay: Tiếp tục phát triển và hoàn thiện KCN, KKT theo chiều sâu, thu hút đầu tư có chất lượng và trọng điểm

LyLy