Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc BHXH tỉnh Trà Vinh cho biết: Theo thống kê của BHXH tỉnh, có đến 89% số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh chọn mức để đóng là dưới 1,5 triệu đồng, nên việc nâng mức chuẩn nghèo từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng từ năm 2022 đã ảnh hưởng đến việc phát triển đối tượng BHXH tự nguyện.
“Năm 2021, tỉnh Trà Vinh có trên 19.500 người tham gia BHXH tự nguyện, sang đầu năm 2022 giảm khoảng 6.000 người. Tuy nhiên, với việc tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng trở lại, dự kiến đến hết năm 2022 nâng lên trên 17.000 người”, ông Bùi Quang Huy chia sẻ.
“Khó khăn nhất vẫn là điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn hạn chế. Về cơ bản, sau nhiều đợt tuyên truyền, từ ra quân rầm rộ đến tuyên truyền 1+1, người dân đã nâng cao nhận thức và biết đến BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Do đó, để người dân tham gia, Nhà nước có chính sách hỗ trợ thêm phần đóng và giảm thời gian đóng theo như dự thảo mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về Luật BHXH sửa đổi”, ông Bùi Quang Huy chia sẻ.
Tính đến tháng 10/2022, toàn Bưu điện tỉnh Trà Vinh phát triển được 14.336 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 54% kế hoạch năm; bảo hiểm hộ gia đình phát triển được 96.928 người tham gia, đạt 54% kế hoạch năm.
Để thực hiện đạt được những kết quả quan trên, Bưu điện tỉnh Trà Vinh đã triển khai đồng bộ các giải pháp có hiệu quả. Đặc biệt, Bưu điện tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện thường xuyên, liên tục, phong phú về hình thức và đổi mới về nội dung.
Hình thức tuyên truyền không chỉ dừng lại ở việc phát tờ rơi mà mở rộng qua hình thức phát loa được thiết kế bằng các mẩu hội thoại thu hút người nghe, thuyết trình qua các hội thảo, tư vấn nhóm hay tư vấn 1-1, tạo được sự chuyển biến lớn về nhận thức trong cộng đồng dân cư và ý thức trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, thấy được trách nhiệm thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân gắn với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
“Chúng tôi huy động tối đa nhân lực, ghép cặp, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát đối tượng khách hàng tiềm năng, phủ kín địa bàn, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT kết hợp với từng đối tượng người dân tiếp cận và phù hợp với từng địa bàn để có thể đạt được kết quả tốt nhất”, bà Tôn Thị Kim Nên - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Trà Vinh chia sẻ.
Là người nhận thức rõ những giá trị, lợi ích mà BHXH tự nguyện, BHYT mang lại, bà Nguyễn Thị Bạch Vân (54 tuổi, ngụ phường 1, TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) cho biết, bà làm nghề kinh doanh tự do, rồi tham gia công tác tại Hội phụ nữ trên địa bàn, vì thế để khi về già có lương hưu, phòng khi ốm đau có BHYT chi trả, năm 2021 bà quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Không chỉ tham gia BHXH tự nguyện cho mình, bà còn đăng ký cho con trai tham gia BHXH tự nguyện ngay khi con còn học cấp 3 với suy nghĩ giản dị mộc mạc: “Chúng tôi không có điều kiện, không có nhiều của cải để cho con cái nên đăng ký tham gia BHXH tự nguyện như món quà cho con lúc học Đại học. Sau khi con ra trường, đi làm đã có một thời gian tham gia chính sách. Đây cũng là món quà của một bà mẹ nghèo dành cho con trai, là “của để dành” tôi dành cho con của mình.”- bà Vân xúc động nói.
Theo bà Vân, tham gia BHXH tự nguyện để được lương hưu, được chăm sóc y tế sẽ giúp bà bớt phụ thuộc, trở thành gánh nặng cho con cái lúc tuổi già. Đồng thời, với tuổi già, mỗi tháng có lương hưu về tài khoản đó là niềm vui lớn có thêm một khoản để trang trải.
Mới 22 tuổi, anh Bùi Thành Phước ngụ ở Khóm 1, Khu 1, TP Trà Vinh sau khi tham gia buổi tọa đàm tại phường về chính sách BHXH tự nguyện đã lập tức đăng ký và cho rằng, bản thân làm nghề tự do nếu không biết cách tích lũy sau này sẽ khó khăn khi lớn tuổi.
“Tham gia BHXH cũng là cách tích lũy cho tương lai. Với công việc hiện tại, mỗi tháng tôi trích ra một khoản nhỏ đóng BHXH tự nguyện coi như đây là “quỹ” của bản thân để dành cho tương lai”, anh Phước cho hay.
Còn chị Nguyễn Hồng Lý (SN 1974) ở Khóm 3, Phường 1, TP Trà Vinh – tham gia BHYT hộ gia đình với 7 người cho biết, tham gia chính sách BHXH, BHYT mang lại cho gia đình chị nhiều lợi ích thiết thực, nhất là khi ốm đau, bệnh tật. Và cả gia đình ai cũng có tấm thẻ BHYT đã khiến cho chị yên tâm làm việc, không còn quá lo lắng khi các thành viên trong gia đình ốm đau, phải đi bệnh viện điều trị.
Với định hướng từ cơ quan Bảo hiểm Xã hội, Bưu điện tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, mời bà con, trong đó có cả đồng bào Khmer đến trực tiếp để tư vấn được cặn kẽ, cụ thể về quyền lợi khi tham gia chính sách, tạo sự yên tâm cho bà con.
Những người làm công tác phát triển BHXH tự nguyện nơi đây thực hiện phương châm mưa dầm thấm lâu, có nhiều bà con được cán bộ Bưu điện vận động trước khi tham dự tuyên truyền tại hội nghị, nên hiệu quả rất cao. Sau khi tham gia, hiểu rõ tính ưu việt của chính sách, bà con tiếp tục là cầu nối, tư vấn cho người thân, hàng xóm, bạn bè nên từ đó đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của Trà Vinh không ngừng mở rộng.
Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã đẩy mạnh tổ chức các cuộc hội nghị tuyên truyền; hội nghị khách hàng tập trung vào từng nhóm đối tượng để vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tiếp tục triển khai và nhân rộng các hoạt động truyền thông hiệu quả năm 2021 như mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện”; mô hình “góp vốn xoay vòng” mua thẻ BHYT trong hội viên các hội - đoàn thể.
Việc phát huy vai trò của các hội, đoàn thể trong phát triển BHXH tự nguyện rất quan trọng. Bên cạnh Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh, Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh... cũng sẽ phát huy hơn nữa vai trò trong phát triển BHXH tự nguyện.
Đặc biệt, tỉnh Trà Vinh hiện có 1 Liên hiệp HTX và hơn 170 HTX đang hoạt động với khoảng 30.000 thành viên. Việc triển khai mô hình tuyên truyền, hỗ trợ hiệu quả trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã sẽ giúp thêm hàng chục triệu nông dân, người lao động được tham gia đóng BHXH.
Bảo Hoàng