Khai thác tài nguyên biển phải đảm bảo tính bền vững
Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khóa XV bắt đầu từ sáng 4/6 và diễn ra thời gian trong 2,5 ngày. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của 4 bộ trưởng, trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn vào 03 nhóm vấn đề về: Việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
Trước lo ngại của đại biểu Quốc hội về việc "đánh cược môi trường" khi khai thác, sử dụng cát biển thay thế cát sông để thực hiện các dự án giao thông trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Bộ trưởng cho rằng, biển là một thể thống nhất, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, đô thị dọc bờ biển đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển, vận tải biển, hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, để giải quyết những vấn đề chồng lấn, giao thoa này, Quy hoạch biển quốc gia đã có những phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển, quy hoạch gắn với quy hoạch các ngành, quy hoạch của các địa phương có biển, cần thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch để giải quyết vấn đề này, để vừa phát triển được kinh tế vừa bảo vệ được môi trường.
Người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm trong việc đánh bắt thủy, hải sản trái phép
Trả lời chất vấn của đại biểu về giáo dục pháp luật về biển đảo, Bộ trưởng cho biết, Luật Tài nguyên biển và hải đảo, Luật Thủy sản đã được ban hành, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương cố gắng phổ biến, tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là khai thác tài nguyên biển, nuôi trồng đánh bắt hải sản.
Về việc đánh bắt trái phép, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thống nhất với ý kiến của đại biểu Hồng Hạnh là công tác phổ biến pháp luật và ý thức trách nhiệm của người dân rất quan trọng. Do đó, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc để tuyên truyền.
Vừa qua, để bảo vệ Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT đã phối hợp với Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các địa phương để phổ biến pháp luật, chính sách của Nhà nước.
Đồng thời cần kịp thời kiểm tra, giám sát các sai phạm. Ban Bí Thư cũng đã giao cho người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm trong việc đánh bắt thủy, hải sản trái phép, không đúng quy định.
Về vấn đề này, Bộ trưởng nêu rõ, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tiếp tục tuyên truyền phổ biến cho nhân dân các nội dung liên quan đến việc đánh bắt đúng phép, đúng quy định.
“Quy hoạch thủy sản vừa qua đã được Thủ tướng ban hành, trong đó tập trung vào quy hoạch không gian biển, định hướng nuôi xa biển, thay vì đánh bắt với sản lượng lớn và hủy diệt như hiện nay, thời gian tới cố gắng giảm tỉ trọng đánh bắt và tăng tỉ trọng nuôi xa biển”, Bộ trưởng nêu rõ.
Linh Anh