PV: Nhà nước cần hỗ trợ như thế nào để DN đủ sức vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt?
Ông Trương Gia Bình: Khái quát về thực trạng của cộng đồng DN nói chung, DN tư nhân (DNTN) nói riêng hiện nay khi phải đối mặt với đợt dịch bùng phát lần thứ tư có thể hình dung bằng cụm từ "thiếu sức khỏe" hoặc "thiếu sức đề kháng". Nhiều khó khăn từ những đợt dịch trước, nay càng trầm trọng hơn đối với hầu hết các DN là sự mất cân đối thu - chi, chuỗi liên kết sản xuất bị đứt gãy, gián đoạn hay các áp lực về chi phí phát sinh để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch như xét nghiệm cho nhân viên, tổ chức khu cách ly, tái cấu trúc cung đường vận chuyển hàng hóa,... Một số ngành như du lịch, hàng không gần như "đóng băng" hoạt động.
Trong bối cảnh ấy, chúng tôi kiến nghị một số hướng hỗ trợ mà DN đang rất trông chờ từ Nhà nước. Ưu tiên khẩn trương tiêm vắc-xin cho lực lượng giữ vai trò "duy trì và phát triển kinh tế" trong mục tiêu kép Chính phủ đặt ra. Vừa qua, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cùng nhiều Hiệp hội DN mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ cơ chế cho phép tư nhân tham gia mua và triển khai tiêm vắc-xin cho người lao động trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế xem xét mở rộng lực lượng tiêm phòng để đáp ứng nhu cầu triển khai "chiến lược vắc-xin" trên diện rộng, cân nhắc khả năng tham gia của các bệnh viện, trung tâm y tế. Việc Thủ tướng quyết định tiêm ngay vắc-xin cho 300 nghìn lao động tại các khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh cũng như tuyên bố hiệu triệu mọi nguồn lực, vai trò của cả khối công và tư trong quá trình mua vắc-xin, là tín hiệu rất mừng cho cộng đồng DN.
Hỗ trợ tiếp theo là các chính sách giúp DN hạn chế dòng tiền chi ra, giữ lại nguồn vốn đã rất mỏng manh để tiếp tục duy trì hoạt động và giữ chân người lao động. Ðây là hướng Chính phủ đã thực hiện thông qua việc ban hành nhiều chính sách tài khóa, tài chính thời gian qua, gần đây nhất là Nghị định số 52/2021/NÐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Tuy nhiên, cộng đồng DN kỳ vọng các chính sách tới đây có thể cân nhắc kỹ hơn biên độ phục hồi của từng ngành để sự hỗ trợ không chỉ mang tính "cấp cứu diện rộng", mà còn là đòn bẩy cho quá trình phục hồi của DN. Ðồng thời, với những luồng chi phí lớn, phát sinh ngay tới đây mà rất nhiều DN phản ánh như việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (dự kiến áp dụng từ ngày 1-7); yêu cầu triển khai lắp đặt đồng loạt ca-mê-ra trên các xe ô-tô kinh doanh vận tải trước thời hạn 1-7;... chúng tôi rất mong Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, làm rõ tính cấp thiết việc áp dụng các quy định trên tại thời điểm này, cân đối với chủ trương hỗ trợ DN vượt khó trong bối cảnh dịch để ra quyết định thấu đáo. Tất cả những vấn đề nêu trên đều là thách thức mà tự thân DN không thể gánh đỡ, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo từ phía Chính phủ, các bộ, ngành.
PV: Không ít ý kiến cho rằng, DNTN vẫn đang phải chịu thiệt thòi khi không được nhiều "ưu ái" như DN nhà nước (DNNN) hay DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo ông, chúng ta cần làm gì để hỗ trợ các DNTN hiệu quả hơn nữa?
Ông Trương Gia Bình: Nếu Nhà nước tin tưởng, tạo cơ chế cạnh tranh bình đẳng, DNTN hoàn toàn đủ năng lực tham gia các dự án lớn của đất nước. Ðặt niềm tin cũng là trao cơ hội phát triển cho DNTN. Bên cạnh đó, khối tư nhân cũng mong đợi có cơ chế thông thoáng, minh bạch hơn về tiếp cận đất đai cũng như các nguồn lực quan trọng khác, được tạo điều kiện thuận lợi như DNNN hay DN nước ngoài mới có thể cạnh tranh hiệu quả, phát triển ngay tại thị trường Việt Nam và vươn tầm ra thế giới.
Ðảng và Nhà nước đã thể hiện chủ trương rõ ràng, nhất quán trong suốt những năm qua khi đề cập tới bài toán phát triển KTTN. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là phải bảo đảm được sự đồng bộ giữa chủ trương ấy với quá trình thiết kế, thực thi và triển khai tổ chức thực hiện chính sách.
PV: Nếu có được sự hỗ trợ bình đẳng, DNTN có đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác hay không?
Ông Trương Gia Bình: Chúng tôi hoàn toàn tự tin không chỉ là đủ sức mà chắc chắn DNTN sẽ là những đối thủ, đối tác hết sức xứng tầm của DNNN hay DN nước ngoài. DNTN luôn phải tự cạnh tranh, tự tìm cơ hội vươn lên mà không có nhiều hỗ trợ đặc biệt, nên chẳng có cớ gì họ chùn bước trong một sân chơi bình đẳng.
Thực tế, trong nhiều ngành kinh tế trọng yếu trước đây hoàn toàn do khu vực nhà nước nắm giữ, nhưng lĩnh vực nào nhà nước tin tưởng, cho phép tư nhân tham gia đều thấy các DNTN phát huy tốt. Thí dụ trong hàng không, hiện Vietjet được xếp vào top 10 DNTN hàng đầu. Quy mô doanh thu của Vietjet năm 2019 (chưa có tác động của Covid-19) là hơn 41 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận xấp xỉ bốn nghìn tỷ đồng. So sánh với DNNN cùng ngành là Vietnam Airlines (VNA) dù doanh thu cao hơn gấp hai lần nhưng chỉ đạt lợi nhuận gần 2.700 tỷ đồng, cho thấy hiệu quả kinh doanh của Vietjet hoàn toàn vượt trội. Một thí dụ khác trong lĩnh vực công nghiệp ô-tô, khi nhiều nhà máy chế tạo, cơ khí của nhà nước trước đây không phát triển nổi một thương hiệu ô-tô của Việt Nam, nhưng khi được tạo điều kiện, Vinfast chỉ mất 21 tháng đã xây dựng xong nhà máy sản xuất, lắp ráp ô-tô hoàn chỉnh và cho ra đời một thương hiệu ô-tô của Việt Nam trong chưa đầy hai năm. Và trong rất nhiều ngành khác như dệt may, da giầy, thủy sản, gỗ, bất động sản,... hầu hết DN dẫn đầu về doanh thu, lợi nhuận đều thuộc khối tư nhân.
Với sự quan tâm và chủ trương phát triển khu vực tư nhân ngày càng mạnh mẽ từ phía Ðảng, Nhà nước và Chính phủ, tôi tin rằng trong thời gian tới, bài toán của chúng ta không phải là bàn về sự cạnh tranh của DNNN và DNTN trong nước. Thay vào đó, vấn đề cần quan tâm hơn là làm sao để cả cộng đồng DN Việt Nam cùng nâng cao được năng lực để vươn mình và cạnh tranh trên trường quốc tế, bởi đó mới là "sân chơi" lớn với nhiều cơ hội cho những người dám bước khỏi vùng an toàn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyệt Bắc/ (Thực hiện)/Theo NDO