Ông Trịnh Văn Quyết phải đối mặt mức án nào?

14:47 09/11/2023

Với hai tội danh bị đề nghị truy tố là "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ông Trịnh Văn Quyết phải đối mặt mức án nào?

Hiện nay, hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là những hành vi nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân, điển hình là vụ án của ông Trịnh Văn Quyết – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC trong thời gian vừa qua. Vậy, với những hành vi vi phạm pháp luật đang được cơ quan điều tra, truy tố ông Trịnh Văn Quyết phải đối mặt mức án nào?

Theo công báo của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an về kết quả điều tra, quá trình điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định:

(1) Trong thời gian từ ngày 26/5/2017 đến ngày 10/01/2022, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) cùng đồng phạm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART thu lợi bất chính 723.322.534.069 đồng.

(2) Trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2016, thực tế các cổ đông chỉ góp 1.197.511.082.182 đồng vốn điều lệ vào Công ty cổ phần Xây dựng Faros nhưng với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán; từ năm 2014 đến tháng 9/2016, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo thuộc cấp và các cá nhân có liên quan thực hiện lập và ký khống hồ sơ, chứng từ góp vốn khống 3.102.488.917.818 đồng, làm tăng khống vốn chủ sở hữu của Công ty cổ phần Xây dựng Faros lên 4.300 tỷ đồng; sau đó, đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng Faros trên Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh để bán chiếm đoạt 3.620.722.083.518 đồng của các nhà đầu tư.

Ngày 28/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành Kết luận điều tra vụ án hình sự số 34/KL-VPCQCSĐT và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5), đề nghị truy tố ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm hai tội danh là “Thao túng thị trường chứng khoán” quy định tại Điều 211 Bộ Luật Hình Sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình Sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty cổ phần Xây dựng Faros và các công ty liên quan, do ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và đồng phạm thực hiện.

Trả lời PV, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Việt Hà (Công ty Luật TNHH HQC, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, với hai tội danh bị khởi tố ông Trịnh Văn Quyết có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất có mức án 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Việt Hà (Công ty Luật TNHH HQC, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội)
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Việt Hà (Công ty Luật TNHH HQC, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội).

Với tội Thao túng thị trường chứng khoán mà ông Trịnh Văn Quyết và một số đồng phạm bị đề nghị truy tố, hiện nay pháp luật Việt Nam chỉ dừng lại ở việc liệt kê các hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà chưa đưa ra được một định nghĩa có tính khái quát hóa cao về tội “thao túng thị trường chứng khoán”; mặc dù khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP giải thích “thao túng thị trường chứng khoán” là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019. Các hành vi thao túng thị trường chứng khoán hiện được liệt kê tại điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Khách thể của tội thao túng thị trường chứng khoán là trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước mà cụ thể là quy định của Nhà nước về quản lý hoạt động của thị trường chứng khoán. Đối tượng tác động của tội phạm này là thị trường chứng khoán – là một thị trường mà ở nơi đó người ta mua bán, chuyển nhượng, trao đổi chứng khoán nhằm mục đích kiếm lời.

Theo đó, Mặt khách quan của tội phạm là hành vi thao túng thị trường chứng khoán và được chủ thể thực hiện bằng một hoặc nhiều hành vi dưới đây: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán; đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó; sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán. Các thủ đoạn trên được thực hiện có thể làm cho các nhà đầu tư khác hiểu sai lệch về thị trường chứng khoán và ra quyết định có lợi cho chủ thể thực hiện các thủ đoạn này. Tuy nhiên, chỉ khi chủ thể thực hiện các hành vi nêu trên thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn FLC cùng các đồng phạm liên quan đã có hành vi sai phạm, trái với quy định của pháp luật che giấu thông tin, thao túng giá chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART thu lợi bất chính 723.322.534.069 đồng và làm ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng tới thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Trong vụ án có đồng phạm, cơ quan điều tra cũng thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh có sự bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bị can trong việc thực hiện hành vi phạm tội; thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên; gây thiệt hại cho nhà đầu tư 03 tỷ đồng trở lên. Nếu chứng minh được những nội dung trên thì căn cứ quy định tại  Khoản 2 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017,  nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC có thể đối mặt với mức phạt tiền từ 02 - 04 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Như vậy, với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC ông Trịnh Văn Quyết có thể phải đối mặt với mức án 07 năm tù giam hoặc bị phạt tiền đến 04 tỷ đồng.

Với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ Luật Hình Sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Theo quy định pháp luật, tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ cấu thành khi chủ thể của tội phạm đã thực hiện thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, làm cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản nhầm tưởng, tin vào các thông tin không đúng sự thật đó và tự nguyện chuyển giao tài sản cho người phạm tội. Mục đích chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không có ý định trả lại tài sản cho các nạn nhân; Giá trị của tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo thông tin cơ quan điều tra công bố, các bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung thực hiện hành vi thông qua việc, từ năm 2014 đến năm 2016 làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Xây dựng Faros và khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng Faros trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh để bán chiếm đoạt 3.620.722.083.518 đồng của các nhà đầu tư. Cơ quan điều tra đã xác định Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo thuộc cấp và các cá nhân có liên quan dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản trị giá trên 500.000.000 đồng. Nếu cáo buộc của cơ quan điều tra là đúng thì ông Trịnh Văn Quyếtcó thể đối mặt với khung phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân (Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Như vậy, với hai tội danh bị đề nghị truy tố là "Thao túng thị trường chứng khoán" quy định tại khoản 2 Điều 211 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017)  và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 ông Trịnh Văn Quyết phải đối mặt mức án có thể lên đến 27 năm tù hoặc tù chung thân. Trường hợp bị kết án phạt tù có thời hạn thì Tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc hình phạt chung, là tổng cộng của các tội danh nhưng không quá 30 năm tù. Nếu mức hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung của nhiều tội danh sẽ là tù chung thân.

Quy định pháp luật dẫn chiếu

Điều 211 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội thao túng thị trường chứng khoán:

“1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 01 - dưới 03 tỷ đồng, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 02 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

đ. Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;

c) Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

 Điều 174 Bộ Luật Hình Sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Trịnh Bình