Tính đến ngày 16/1, theo cập nhật mới nhất của Forbes, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan, không còn xuất hiện trong danh sách tỷ phú USD.
Danh sách tỷ phú Việt Nam hiện chỉ ghi nhận 5 người, gồm ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch VietJet, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco và ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank. So với hồi đầu năm, tài sản của các tỷ phú Việt ghi nhận biến động.
Nguyên nhân dẫn đến việc ông Nguyễn Đăng Quang rời danh sách có thể là do cổ phiếu MSN của Masan Group chịu áp lực giảm vào đầu năm nay. Trong 10 phiên giao dịch đầu năm, cổ phiếu này ghi nhận 6 phiên giảm giá.
Cổ phiếu MSN hiện giao dịch quanh mức 66.000 đồng/cổ phiếu, giảm mạnh so với mức trên 100.000 đồng/cổ phiếu cách đây 1 năm.
Tháng 10/2023, ông Quang từng rời danh sách tỷ phú Forbes, sau đó được thêm lại vào ngày 3/1/2024 với mức tài sản 1 tỷ USD.
Trước đó trong giai đoạn từ tháng 11/2019 đến tháng 10/2020, ông Nguyễn Đăng Quang cũng không được Forbes công nhận tỷ phú khi sở hữu khối tài sản dưới 1 tỷ USD.
Ông Quang lần đầu xuất hiện trong danh sách tỷ phú của Forbes vào năm 2019. Khối tài sản ròng của ông từng được Forbes ghi nhận mức cao nhất ở mốc 1,9 tỷ USD trong năm 2022.
Đa phần giá trị tài sản Chủ tịch Masan Group được tính dựa trên số cổ phiếu MSN mà ông và gia đình sở hữu. Theo thống kê, ông Nguyễn Đăng Quang nắm giữ gần 45% cổ phần Masan Group thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương.
Ông Quang là một trong những tỷ phú Việt Nam khởi nghiệp thành công ở Đông Âu. Ông Quang bắt đầu khởi nghiệp từ những năm 1990 sau thời gian học tập tại Nga thông qua việc bán mì gói cho những người Việt sinh sống tại đây. Ngoài vị trí Chủ tịch Masan Group, vị doanh nhân này còn là thành viên Hội đồng quản trị Techcombank.
Người giàu nhất Việt Nam hiện nay là ông Phạm Nhật Vượng hiện có 4,5 tỷ USD, đứng thứ 651 thế giới theo xếp hạng của Forbes. Trong khi đó, xếp hạng của Bloomberg Billionaire Index, tài sản của ông Vượng đạt 8,49 tỷ USD, xếp thứ 277 trên thế giới. Ông Vượng được Bloomberg xếp hạng trở lại trong top 500 tỷ phú USD theo tính toán của đơn vị này từ ngày 3/1, sau khi Bloomberg đã tính tới tài sản của vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam được hình thành từ hãng xe VinFast.
Trước đó, Bloomberg trong nhiều tháng qua chưa tính toán tài sản của ông Vượng hình thành từ hãng xe điện VinFast. Theo Bloomberg, ông Vượng kiểm soát 98,5% cổ phần tại VinFast. Tuy nhiên, trong tính toán của đơn vị thống kê đã loại bỏ số cổ phần kiểm soát thông qua Vingroup để loại trừ việc tính 2 lần, tỷ lệ ghi nhận là 45%.
Trong khi đó, tài sản của Chủ tịch VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo cũng giảm 100 triệu USD xuống còn 2,3 tỷ USD. Tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long ghi nhận mức giảm tương tự, xuống còn 2,2 tỷ USD.
Mức giảm 100 triệu USD cũng xảy ra với khối tài sản của gia đình Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương (Thaco) và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh. Hiện, cả 2 vị tỷ phú đều sở hữu khối tài sản 1,4 tỷ USD.
Mai Anh (T/h)