"Nữ tướng ngành gỗ" Lê Hải Liễu và câu chuyện điều hành doanh nghiệp sống chung với dịch Covid-19

08:28 26/10/2021

Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP gỗ Đức Thành (GDT), người được dân trong ngành ví là "nữ tướng ngành gỗ". Theo bà Lê Hải Liễu, lao động và khách hàng là hai yếu tố quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng thì đây chính là động lực giúp doanh nghiệp sống sót và vực dậy sau "cơn bão".

Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP gỗ Đức Thành. Nguồn: Internet
Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP gỗ Đức Thành. Nguồn: Internet.

Trước khi làm thuyền trưởng của Gỗ Đức Thành, bà Liễu từng là giảng viên Khoa Thống kê - Toán trường Đại học Kinh tế TP HCM trong 7 năm, một ngành nghề hoàn toàn khác biệt với công việc kinh doanh khắc nghiệt hiện tại và sau đó bà đi tu nghiệp hai năm tại Cộng hòa liên bang Đức.

Sau khi về nước, bà bắt đầu làm việc tại Gỗ Đức Thành và tiếp quản công ty từ cha khi mới ngoài 30 tuổi, lúc đó bà Lê Hải Liễu không tiếng tăm, không kinh nghiệm, khó khăn trong cả đối nội lẫn đối ngoại. Thậm chí, nhiều nhân viên không tin tưởng khi nhìn thấy cô giáo không biết gì về gỗ hay xuất khẩu, nay đứng ra lèo lái cả doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tới nay, sau bao nhiêu năm lăn lộn với nghề, bà đã lãnh đạo công ty phát triển từ một cơ sở chế biến gỗ có vốn 105 triệu đồng và 100 công nhân năm 1993 trở thành Công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE vào năm 2009 với số vốn 103 tỷ đồng và có hơn 1.000 cán bộ công nhân viên.

Đến nay, cập nhật theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 25, vốn điều lệ đến ngày 1/10/2021 của Gỗ Đức Thành đã tăng lên 179,8 tỷ đồng với hơn 1.200 lao động và doanh thu năm gần nhất 2020 là hơn 400 tỷ đồng.

Trong suốt quá trình phát triển của công ty, bà Liễu được xem là linh hồn, là người tập hợp lực lượng cũng như có tầm nhìn xa và luôn đưa ra những định hướng chiến lược quan trọng trong từng giai đoạn để giữ vững sự tăng trưởng của Gỗ Đức Thành.

Bà từng được bình chọn là Điển hình tiên tiến xuất sắc toàn quốc năm 2003, được Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, đặc biệt được Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đề tặng "Người đàn bà đi khắp thế gian" trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000.

Nhìn lại lịch sử tăng trưởng trong suốt thời gian qua, từ năm 2009 khi GDT niêm yết trên HOSE, có thể thấy doanh thu của Gỗ Đức Thành tăng liên tục qua các năm và lợi nhuận sau thuế cũng duy trì đà tăng.

Đáng chú ý, năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải lao đao, Gỗ Đức Thành đạt doanh thu 400 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2019. Không chỉ tăng trưởng trong khó khăn, trong năm 2020, công ty này còn mở rộng sản xuất bằng việc mua thêm 14.000 m2 đất và nhà xưởng ở Bình Dương.

Theo bà Lê Hải Liễu, lao động và khách hàng là hai yếu tố quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng thì đây chính là động lực giúp doanh nghiệp sống sót và vực dậy sau
Theo bà Lê Hải Liễu, lao động và khách hàng là hai yếu tố quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng thì đây chính là động lực giúp doanh nghiệp sống sót và vực dậy sau "cơn bão". Nguồn: Internet.

Sống chung với dịch Covid-19

Từ trước đến nay, thương trường vốn là con đường chông gai, không đoán trước được diễn biến tiếp theo. Thế cho nên, dù đang trên đà tăng trưởng khả quan, thì với sự bùng phát mạnh mẽ, phức tạp của dịch COVID-19, Gỗ Đức Thành cũng không thoát được sự tác động khủng khiếp của làn sóng dịch lần thứ 4 này.

Theo đó, trong khi vẫn cố gắng phòng, chống dịch bệnh tại công ty thì bất ngờ từ tháng 7 Gỗ Đức Thành phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa tình hình chung về dịch bệnh phức tạp và sự vận hành của các nhà máy.

Ban lãnh đạo đã đưa ra quyết định chưa từng có là tạm thời ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh để tránh rủi ro, ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, công nhân viên.

Chia sẻ với người viết, bà Lê Hải Liễu cho biết: "Quyết định ngừng hoạt động là một quyết định không hề dễ dàng".

Lãnh đạo Gỗ Đức Thành nhớ lại hồi đợt dịch tháng 4 năm ngoái, với thời gian giãn cách xã hội hai tuần, công ty cũng đứng trước quyết định tiếp tục làm hay cho người lao động nghỉ. Nếu tiếp tục sản xuất thì sẽ duy trì được doanh số và quan hệ tốt với khách hàng, đứng về phía kinh doanh đó là lợi ích nhưng nếu hoạt động trong điều kiện không đủ an toàn thì ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.

Đến đợt dịch năm nay, còn khó khăn hơn là ngưng không biết thời hạn do dịch bệnh phức tạp, thành phố ra các chỉ thị khác nhau với thời gian giãn cách liên tục kéo dài khiến doanh nghiệp rất khủng hoảng.

Tuy nhiên, sau khi bàn tính kỹ càng, ban lãnh đạo công ty đã quyết định chọn phương án dừng sản xuất để bảo toàn sức khỏe, tính mạng của người lao động vì công ty quan niệm rằng mất khách vẫn có thể tìm lại được, mất doanh số có thể tìm doanh số khác, hoặc có thể chấp nhận lợi nhuận ít lại nhưng nếu để mất con người, mất cái tình với nhau thì rất khó tìm lại được.

"Đó là văn hóa của công ty từ trước đến nay, mà cũng vừa phù hợp với nhận định của thị trường rằng nếu không quan tâm, chăm sóc cho lực lượng lao động thì khi hết dịch bệnh công ty cũng sẽ không thể sản xuất trở lại vì thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề", Chủ tịch HĐQT GDT chia sẻ.

Mặc dù không làm việc, không có doanh thu nhưng công ty vẫn phải chi nhiều khoản phí như phí vận hành công ty; chi phí trả cho người lao động do ngừng việc theo Luật lao động; chi phí chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ cho công nhân khó khăn, chăm sóc các công nhân không may bị F0, F1 và cả người thân trong gia đình công nhân…. 

Theo bà Liễu, những điều này thể hiện sự quan tâm của công ty đối với người lao động để sau khi làm lại thì người lao động sẽ tiếp tục gắn bó với công ty và duy trì sản xuất. 

Trong giai đoạn phòng, chống dịch, công ty đã tặng hai xe chuyên dụng "test COVID và chích ngừa lưu động" để nhanh chóng phủ vắc xin cho người dân và người lao động của Gỗ Đức Thành, cùng với những hỗ trợ vật tư y tế, gạo, thuốc men. (Ảnh: GDT)

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông 2021 diễn ra hồi tháng 5, bà đã thuyết phục các cổ đông đồng ý cho công ty phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên trước, sau đó mới chia cổ tức còn lại của năm 2020.

Điều này nghĩa là người lao động của công ty được duyệt mua cổ phiếu năm nay nhưng sẽ được hưởng một phần cổ tức của năm 2020. Đây là một khoản ưu đãi bất ngờ đối với người lao động và chưa có tiền lệ.

Theo bà Liễu nếu chọn cách tăng lương nhiều cho người lao động là điều đơn giản nhưng sẽ tăng chi phí và làm giảm lợi nhuận của công ty. 

Trong khi đó, vì luôn mong muốn đem lại lợi nhuận cao nhất cho cổ đông và thực tế là bà đã làm tròn trách nhiệm của mình khi đã đem lại lợi ích cao nhất có thể cho các cổ đông thông qua những kết quả kinh doanh đạt được nên vị lãnh đạo này cho rằng đã đến lúc anh em cũng phải được hưởng phần của họ.

 Hương Ly (tổng hợp)