Hiện trường nơi xảy ra vụ án
Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) đang củng cố hồ sơ để xử lý bà Nguyễn Thị Nga (46 tuổi, ngụ quận 12) - người gây ra vụ tai nạn kinh hoàng ở ngã tư Hàng Xanh về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Trước đó, vào khoảng 11h15 ngày 21/10, bà Nga điều khiển chiếc xe hiệu BMW chạy trên đường Điện Biên Phủ hướng từ quận 1 về cầu Sài Gòn.
Khi đến ngã tư Hàng Xanh, chiếc xe này đâm vào hàng loạt xe máy đang chờ đèn đỏ khiến một người chết tại chỗ, 7 người bị thương.
Tại Công an phường 21, quận Bình Thạnh, bước đầu tài xế Nga khai trước đó có ăn nhậu và uống nhiều bia rượu tại một nhà hàng trên đường Pasteur, sau đó do say và buồn ngủ, không làm chủ được tay lái nên đã gây nên vụ tai nạn.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với VnMedia, luật sư Đỗ Thế Điệp (Đoàn luật sư tỉnh Điện Biên) đánh giá đây là một vụ việc thương tâm mà nguyên nhân ban đầu có thể xuất phát từ việc sử dụng bia rượu của nữ tài xế.
Vụ tai nạn xảy ra đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Theo đó người điều khiển phương tiện gây tai nạn có thể bị truy cứu theo Khoản 2 hoặc Khoản 3, Điều 260, Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017).
Với việc truy cứu này, bà Nga phải đối mặt với khung hình phạt từ 3 năm đến 15 năm tù. Cụ thể: Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, nếu gây tai nạn trong tình trạng có sử dụng bia, nồng độ cồn vượt quá mức quy định 0,94mg/lít khí thở nên mức phạt tù từ 3 đến 10 năm.
"Nếu qua giám định, tỷ lệ thương tật của tổng những người bị thương trên 201% thì bà Nga sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khoản 3, điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, có mức án từ 7 đến 15 năm tù", luật sư Điệp nói.
Về trách nhiệm dân sự, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga cũng sẽ phải bồi thường cho các bị hại khi họ có đơn yêu cầu, bao gồm: các chi phí về hư hại tài sản, điều trị sức khỏe, phần chi phí liên quan đến việc mai táng người thiệt mạng và phần tổn thất tinh thần đã gây ra cho những người bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
Trong trường hợp nạn nhân tử vong có con nhỏ dưới 18 tuổi, người phụ nữ gây tai nạn còn phải trợ cấp cho con của các nạn nhân đến khi đủ 18 tuổi.
Ngoài ra, bà Nga còn có thể bị phạt tiền hoặc tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Cụ thể: Điểm a, Khoản 9 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP cũng có quy định về “Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ” quy định: “Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: (a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở”.
Ngoài ra, theo quy định tại Điểm đ Khoản 12 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về “Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: (đ) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 8, Khoản 9 điều này, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 04 tháng đến 06 tháng”.
P.Mai