Anh hùng Ngô Thị Tuyển sinh năm 1946, ở làng Nam Ngạn (nay là phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa), trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em. Năm nay bà đã ở tuổi 79, gần 6 thập kỷ đã qua nhưng câu chuyện của nữ dân quân Ngô Thị Tuyển (19 tuổi, cao hơn 1,4m, nặng 42kg) vác cùng lúc 2 hòm đạn nặng 98kg, góp phần vào chiến thắng của quân và dân Hàm Rồng - Nam Ngạn trong ngày đầu tiên đối đầu với sức mạnh không lực Hoa Kỳ vẫn như một huyền thoại.
![]() |
Anh hùng Ngô Thị Tuyển kể câu chuyện lịch sử của 60 năm về trước cho các cháu học sinh |
Anh hùng Ngô Thị Tuyển qua kỳ “sát hạch” của người nước ngoài
Gặp nữ anh hùng trong những ngày tháng 4 lịch sử, bà chia sẻ, trong 2 ngày 3 và 4/4/1965, đế quốc Mỹ đã cho nhiều tốp máy bay đến bắn phá ác liệt khu vực Nam Ngạn - Hàm Rồng. Ngày 4/4/1965, khi đang làm nhiệm vụ, đoàn quân của bà gặp 1 chiếc tàu hải quân yêu cầu dân quân giúp vận chuyển vỏ đạn lên bờ và tiếp tế đạn xuống tàu. Lúc ấy, có 2 hòm đạn đai sắt móc chặt vào nhau, anh em dùng thuổng bật ra để vác nhưng chưa được. Sợ chậm trễ ảnh hưởng đến chiến đấu, bà Tuyển đã bảo đồng đội đặt 2 viên đạn lên vai mình. Cứ thế, nữ anh hùng đất Thanh vác luôn 2 hòm đạn nặng 98kg vượt qua đê, chuyển ra bờ sông tiếp viện kịp thời cho anh em bộ đội chiến đấu.
Bà xúc động: “Chính tôi cũng chẳng biết làm sao mình nhỏ bé thế mà lại có thể vác được 2 hòm đạn 98kg. Sau này, tôi bị chấn thương cột sống, mỗi khi trái gió trở trời là lại đau lắm!”
Sau sự kiện này, các nhà báo nước ngoài không tin đã đề nghị bà làm lại cho họ xem. Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển kể: Hôm đó, có rất nhiều nhà báo quốc tế chờ sẵn để quay phim, chụp ảnh. Trong hoàn cảnh đó, tôi chỉ nghĩ, nếu không làm được, chắc chắn họ sẽ coi sự việc trước kia là không có thực mà nhằm mục đích tuyên truyền khác đi... Điều đó nếu xảy ra, thì danh dự không chỉ của bản thân, của đơn vị mà còn là thể diện quốc gia sẽ bị tổn thương. Bằng tất cả sức mạnh, lòng tự trọng, tôi đã vác trên vai 1 bao gạo và 1 bao khoai tây. Khi cân lên thì 2 bao này nặng 105 kg. Lúc ấy, họ mới thực sự tin là thật, một nhà báo Liên Xô đã ôm hôn tôi và tặng tôi chiếc bút kim tinh. Sau này, nhà văn người Mỹ Karen Tuner cũng đã dành nhiều tháng để viết cuốn sách về chiến tranh Việt Nam mang tên "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", trong đó có kể về sự kiện vác đạn của tôi.
![]() |
Hình ảnh nữ dân quân Ngô Thị Tuyển vác 2 hòm đạn nặng 98 kg |
Thêm một kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên đối với nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển, vào ngày 26/5/1965, khi hai chiếc tàu Hải quân của ta được giao nhiệm vụ tấn công tàu biệt kích Mỹ ngoài khơi, trong lúc cuộc chiến đang diễn ra, tàu của ta bị máy bay địch phát hiện và phải vừa di chuyển lên cụm pháo bảo vệ Hàm Rồng, vừa phải đối đầu với không quân Mỹ từ cửa Lạch Hới. Khi hai chiếc tàu tiếp cận đến khu vực làng Nam Ngạn, các chiến sĩ trên tàu phát tín hiệu cầu cứu.
Lúc ấy, bà Ngô Thị Tuyển đang trực chiến gần đó. Nhận thấy tình hình cấp bách, bà đã không chút do dự, ngay lập tức bơi ra biển, tiếp cận tàu bị hư hỏng. Khi lên tàu, bà chứng kiến nhiều chiến sĩ của ta đã hy sinh hoặc bị thương nặng.
Một chiến sĩ bị thương nghiêm trọng ở bụng, bà Tuyển đã nhanh chóng tiến hành sơ cứu tại chỗ. Sau đó, bà tiếp tục đưa một chiến sĩ bị thương lên boong tàu và ra hiệu cho lực lượng trên bờ biết để có thể ứng cứu kịp thời…
Chính trong trận đánh đầy ác liệt ấy, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển được kết nạp vào Đảng ngay tại trận địa vào ngày 26/05/1966, đã ghi dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời chiến đấu anh hùng của bà.
Anh hùng Ngô Thị Tuyển lần đầu tiên được gặp Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1966. Đây là niềm vinh dự và hạnh phúc lớn nhất của bà. Tại sự kiện này, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển còn được ưu tiên ngồi cạnh Bác lúc giải lao, được Bác trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, chuyện đồng đội, chuyện gia đình và cả chuyện tình cảm riêng tư…
Bà Tuyển kể lại: “Sau khi bế mạc Đại hội, Bác mời các đại biểu đến Văn phòng Chủ tịch nước để gặp mặt. Bác chia kẹo, hỏi chuyện, rồi nhìn một lượt tất cả cán bộ, chiến sĩ và hỏi: “Cháu nào biết hai chớ, hai nên?”.
Lúc đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngồi cạnh và khuyến khích tôi đứng dậy trả lời. Sau một thoáng hồi hộp, tôi mạnh dạn nói: Thưa Bác, hai chớ là chớ chủ quan thỏa mãn, chớ xa rời quần chúng; hai nên là nên khiêm tốn học tập, nên gần gũi quần chúng. Bà Hồ khen: Cháu Tuyển nói đúng rồi.
Ngoài 3 lần gặp Bác Hồ, bà Tuyển còn được trao tặng Huy hiệu của Người và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc; được Đảng và Nhà nước tặng hai Huân chương chiến công hạng Nhất và hạng Nhì vì thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại tọa độ lửa Nam Ngạn - Hàm Rồng.
![]() |
Đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến thăm và trò chuyện với Anh hùng Ngô Thị Tuyển |
Dù thời chiến hay thời bình, người nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển cũng luôn nỗ lực, đóng góp hết mình vào các phong trào, nhận được nhiều giấy khen từ các cấp và luôn là đảng viên tiêu biểu, gương mẫu trong mọi hoạt động.