Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ, cho đến mãi sau này thì mảnh đất Quảng Trị vẫn là một biểu tượng bất biến trong lịch sử dân tộc. Đó là mảnh đất của những anh hùng.
Năm 2025, cả nước tổ chức lễ kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025); hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước và vừa trang trọng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính vì vậy, dịp 27/7 năm nay mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, gợi nhắc đến những mất mát, hy sinh trong chiến tranh cũng như trách nhiệm gìn giữ truyền thống đạo lý của dân tộc.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ, cũng trong năm 2025 này, công cuộc sáp nhập và thành lập các tỉnh mới đang được Đảng và Nhà nước triển khai. Dù địa giới hành chính có điều chỉnh, thì đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đền đáp công lao những người có công với đất nước vẫn là giá trị xuyên suốt, cần được giữ gìn và lan tỏa ở mọi địa phương.
Quảng Trị – mảnh đất từng hứng chịu bom đạn khốc liệt – ngày nay trở thành biểu tượng thiêng liêng của tinh thần cách mạng. Nơi đây lưu giữ hàng chục nghĩa trang liệt sĩ, di tích chiến trường, cùng ký ức về hàng vạn người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do.
![]() |
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại Quảng Trị |
“Dù tên gọi hành chính có thể thay đổi, nhưng giá trị lịch sử và tinh thần cách mạng nơi đây cần được tôn vinh và gìn giữ. Những nghĩa trang liệt sĩ, những di tích chiến trường xưa vẫn là minh chứng sống động cho bản anh hùng ca của một thời oanh liệt.
Bởi vậy, cần tiếp tục các hành động thiết thực để bảo tồn, giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau. Quảng Trị – không chỉ là một địa phương, mà là niềm kiêu hãnh của cả nước”, tướng Hiệu xúc động nói.
Theo tướng Hiệu, trong dòng chảy tri ân ấy, Quảng Trị đang trở thành địa điểm có sức thu hút đặc biệt. Nơi đây lưu giữ nhiều dấu ấn thiêng liêng của lịch sử dân tộc như trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Tượng đài hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội, Công viên Fidel Castro…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có hai nghĩa trang quốc gia là Trường Sơn và Đường 9. Nhiều phần mộ liệt sĩ vẫn còn nằm lại dọc theo các dòng sông, cánh rừng, chưa được quy tập, khiến vùng đất này vẫn luôn gợi nhắc về những hy sinh thầm lặng.
Vào dịp 27/7 hàng năm, vùng đất Quảng Trị đã chào đón đông đảo cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ và đồng bào từ khắp mọi miền trở về tưởng niệm. Những năm gần đây, có thêm nhiều kiều bào từ nước ngoài cũng tìm về mảnh đất này để bày tỏ lòng tri ân với quá khứ và kết nối với cội nguồn dân tộc.
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng lan tỏa mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và giới trẻ: tặng quà, học bổng, khám chữa bệnh miễn phí, bảo tồn di tích…Đây là những hành động thể hiện đạo lý sâu sắc và mang lại tác động tích cực trong việc giáo dục thế hệ trẻ.
![]() |
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho rằng nhân rộng các hoạt động đền ơn đáp nghĩa chính là cách để các thế hệ hôm nay gìn giữ giá trị văn hóa và tiếp nối hành trình xây dựng đất nước |
Ngoài những nghi lễ truyền thống như cầu siêu, thắp hương tại nghĩa trang, thả hoa trên sông,… các hoạt động thiện nguyện cụ thể cũng góp phần làm nên ý nghĩa trọn vẹn cho ngày tri ân. Nhiều đoàn y, bác sĩ tình nguyện đã về khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân. Một số nhà tài trợ lớn cũng đã đóng góp cho công tác bảo tồn và quy hoạch lại Thành cổ Quảng Trị, với tổng kinh phí lên tới 5 tỷ đồng.
“Từ những hành động âm thầm ấy, Quảng Trị đang trở thành biểu tượng sinh động cho truyền thống tri ân của dân tộc Việt Nam. Việc duy trì và nhân rộng các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại nơi từng gánh chịu nhiều hy sinh trong kháng chiến chính là cách để các thế hệ hôm nay gìn giữ giá trị văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và tiếp nối hành trình xây dựng đất nước trong giai đoạn hội nhập”, tướng Hiệu nói.