Theo Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong cuộc đời binh nghiệp của ông, Tết của những năm Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bình sinh bao giờ cũng gây cho ông và đồng đội một niềm cảm xúc dâng trào, ấn tượng đặc biệt không thể nào quên.
Cho dù đóng quân ngoài vùng giải phóng hay trong vùng có địch chiếm đóng, ông và đồng đội luôn háo hức, mong đợi đến thời khắc giao thừa để được nghe lời chúc Tết, nghe thơ của Người. Những lần như thế, lòng yêu nước và niềm tin sắt đá vào Đảng, vào Cách mạng lại nhân lên bội phần.
Những bài thơ chúc Tết của Người như một lời hiệu triệu thúc giục ông và đồng đội vững tin bước vào những trận đánh mới. Khi Bác mất, ông và đồng đội chuyền tay nhau đọc lời di chúc của Bác rồi biến đau thương thành hành động, quyết tâm thực hiện di chúc của Người. Đơn vị của ông liên tiếp thực hiện những trận đánh, lập nhiều chiến công dâng lên Người.
“Tôi rất tiếc là chỉ được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh qua phim ảnh và nghe giọng nói của Người trên sóng phát thanh bởi tôi liên tục chiến đấu trong chiến trường miền Nam. Khi tôi ra Bắc thì Bác đã đi xa. Giờ đây, tuy đã ở tuổi 78 tôi vẫn rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không chỉ bằng sách vở, mà còn bằng những việc làm cụ thể như thực hiện trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, tác phong, lối sống và các hoạt động trong lĩnh vực khoa học, môi trường, đền ơn đáp nghĩa…”, tướng Hiệu nói.
![]() |
Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, những ký ức về Bác Hồ là niềm tự hào và cảm hứng bất tận. |
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, khi tướng Hiệu giữ chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, ông được phân công vào Ban chỉ đạo Bộ Tư lệnh lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó là ông Đỗ Nguyên Phương và các nhà khoa học Nga trong công tác bảo quản thi hài của Bác Hồ.
Đây là công việc không chỉ cần sự cẩn trọng tuyệt đối mà còn cần sự cẩn mật cao. Những nhà khoa học Nga, với công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quý báu, đã chuyển giao công nghệ ướp thi hài cho Việt Nam. Lúc này ông cùng với tập thể các nhà khoa học quân sự Việt Nam đã tiếp nhận công nghệ này.
“Chúng tôi cũng được huấn luyện trực tiếp bởi các chuyên gia Nga, đảm bảo rằng thi hài của Bác Hồ có thể được bảo quản trong trạng thái tốt nhất, thậm chí trong cả ngàn năm.
Ngoài ra, trong thời gian này, tôi còn được phân công tham gia Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xử lý việc thay cỏ sân Ba Đình – một phần công trình quan trọng của Bộ Quốc phòng trong việc bảo đảm hệ sinh thái lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Loại cỏ tốt nhất từ Nhật Bản đã được đưa về Việt Nam để trồng tại sân Ba Đình, không chỉ tạo nên một không gian xanh mát mà còn thể hiện sự tôn trọng tối đa dành cho Người”, tướng Hiệu cho biết thêm.
Tướng Hiệu cũng chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, cải tạo và bảo tồn khu K9 Đá Chông – nơi Bác Hồ từng sơ tán, biến nó thành khu du lịch mang đầy ý nghĩa lịch sử.
Chia sẻ về việc học tập và làm theo tấm gương của Bác, theo tướng Hiệu, học tập Bác Hồ không có nghĩa là chỉ dừng lại ở khẩu hiệu hay lý thuyết. Học luôn đi đôi với hành, có học tập thì phải có noi theo. Học đạo đức, học phong cách, học lối sống, học cách Bác quan tâm đến dân, đến từng người cán bộ, chiến sĩ. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt đó chính là cái cốt lõi của đạo lý Hồ Chí Minh.
“Chúng ta nói nhiều rồi, bây giờ phải hành động và tạo ra kết quả. Bác Hồ không nói dài dòng, Bác luôn dùng lời lẽ giản dị, súc tích và dễ hiểu, dễ nhớ. Nhưng chính những lời giản dị ấy lại thấm sâu vào dòng máu, trái tim người Việt Nam. Và tính thuyết phục cao nhất là hành động gương mẫu và việc làm cụ thể, thực tiễn, mang lại kết quả hữu ích”, ông chia sẻ.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng nhìn nhận rằng trong thực tế hiện nay, đa số nhân dân ủng hộ và hết lòng xây dựng đất nước, nhưng bên cạnh đó, vẫn còn có trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, ít nhiều ảnh hưởng tới sự phát triển chung của đất nước. Thậm chí, các cán bộ, đảng viên, có cả một vài vị lãnh đạo cấp cao vẫn thường nhắc đến, nói về tư tưởng, đạo đức của Bác, nhưng hành động thì đi ngược lại những gì họ nói. Một số trường hợp cán bộ còn bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự, vì những vi phạm nghiêm trọng.
“Hiện tượng này khiến người dân mất đi niềm tin. Khi lãnh đạo có lời nói không đi đôi việc làm sẽ gây phản cảm và làm ảnh hưởng tới lòng tin của dân vào đội ngũ cán bộ. Nói nhiều nhưng không làm được, hoặc làm trái những gì nói ra, thì sao người dân có thể tin tưởng? Chính điều này thôi thúc chúng ta phải suy nghĩ lại, phải dám nhìn vào sự thật để thay đổi, và để đưa tấm gương Bác Hồ vào cuộc sống một cách đúng đắn”, tướng Hiệu nhấn mạnh.
Khi nói về giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ, tướng Hiệu cho rằng dạy học sinh, sinh viên về Bác thì phải dạy những điều chân thật, những giá trị sống thiết thực. Tổ chức thi, trao giải để cộng đồng hiểu sâu thêm là tốt, nhưng quan trọng nhất là đưa kết quả thi chuyển hóa thành hành vi đạo đức thực tiễn.
Ông cũng cảnh báo về một thách thức rất lớn của thời đại, đó là sự nhiễu loạn thông tin và sự im lặng trước cái sai. Ông cho rằng, trong xã hội hiện đại, khi thông tin từ nhiều nguồn tràn ngập, thật giả lẫn lộn, thì điều cần thiết nhất là mỗi người dân phải có bản lĩnh đạo đức, biết phân biệt đúng sai, và dám lên tiếng vì sự thật.
Nhân dịp sinh nhật Bác Hồ – vị lãnh tụ kính yêu, nhà tư tưởng lớn của dân tộc, tướng Hiệu muốn nhắn nhủ người dân Việt Nam chúng ta một thông điệp: “Học Bác không chỉ để thuộc lòng, để ngợi ca. Học Bác là để sống tốt hơn, sống có trách nhiệm, hành xử đúng đắn, để xã hội ngày một văn minh và đáng sống hơn”.