Những vướng mắc liên quan đến thực thi quy định về phòng cháy chữa cháy của doanh nghiệp

23:02 20/03/2023

Vướng mắc liên quan đến thực thi quy định về phòng cháy chữa cháy là một trong những vấn đề nổi cộm được cộng đồng doanh nghiệp gửi đến Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2023.

Ảnh minh họa
Kiểm tra thực tế tại một công trình đang thi công/ Nguồn ảnh Bình Định online

Sau khi những quy định làm khó nhà thầu, nhà đầu tư tại QCVN 06-2021/BXD được sửa đổi, thay thế bằng quy chuẩn mới về an toàn cháy cho nhà và công trình (tại Thông tư số 06-2022/TT-BXD) có hiệu lực vào tháng 1/2023, nhiều doanh nghiệp (DN) lại phản ánh những vướng mắc, bất cập mới phát sinh, gây khó cho DN.

Trong kiến nghị gửi tới Bộ Công an và Bộ Công Thương, cộng đồng DN cho biết, gần đây, khi mở rộng nhà máy đang hoạt động, DN gặp vướng mắc liên quan đến quy trình, thủ tục, nhất là sự khác biệt trong thực thi chính sách pháp luật của địa phương, gây tốn kém về thời gian và chi phí. Việc thay đổi quy định về PCCC khiến giấy phép PCCC và giấy phép hoàn công đã được cấp khi xây dựng nhà máy ban đầu mâu thuẫn với quy định quản lý hiện hành.

Ví dụ, trước đây, khi sử dụng tấm thạch cao đơn giản hoặc sơn chống cháy cho tường lửa chống cháy nhà máy, DN không gặp trở ngại gì trong việc xin cấp phép PCCC, thì đến nay bắt buộc phải sử dụng tấm thạch cao chịu lửa. Do đó, khi DN xây dựng mở rộng nhà máy, chi phí thi công tăng cao vì DN phải thực hiện quy định hiện hành đối với cả nhà máy đã xây dựng trước đây và đang trong quá trình vận hành.

“Có trường hợp áp dụng quy định theo cách diễn giải tùy tiện của cơ quan PCCC địa phương dẫn đến mất hơn 50 ngày mới được cấp phép PCCC”, một DN phản ánh.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, vừa qua hiệp hội nhận được hơn 100 đơn "kêu cứu" của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp như Đông Bắc Ga, Tây Bắc Ga, thành phố Thanh Hóa về vấn đề khắc phục công tác phòng cháy chữa cháy tại cơ sở.

"Hiệp hội cũng đã có tờ trình báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về vấn đề này. Đã có 72 doanh nghiệp được kiểm tra về công tác phòng cháy chữa cháy, trong đó có 40 doanh nghiệp phải đóng cửa vì không đảm bảo", ông Đoan nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đoan, nguyên nhân ở đây một phần do khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại Khu công nghiệp không có đường nước riêng dành cho phòng cháy, chữa cháy, nhưng cơ quan chức năng vẫn nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Về vấn đề này, ông Cao Tiến Đoan đề nghị UBND tỉnh, các cấp ngành xem xét, kéo lùi thời gian gia hạn nhất định để doanh nghiệp khắc phục. Song song đó là chỉ đạo thi công đường nước làm điểm đấu nối cho doanh nghiệp, giảm tiền phạt vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.

Trước đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) không ít lần lên tiếng về vấn đề này. Theo ông Hiệp, dù là nước đang phát triển, nhưng Việt Nam có quy chuẩn PCCC cao như những nước phát triển, thậm chí còn thêm thắt khiến tiêu chuẩn trong nước gần như cao nhất thế giới. Ngoài ra, DN phải nhập khẩu một số vật liệu PCCC độc quyền khiến chi phí đầu tư quá cao. Chính những bất cập này khiến “sức khỏe” của DN bị ảnh hưởng bất lợi.

Theo phản ánh của DN, ngày 8/9/2020, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã có Công văn số 3288/PC07-P4 hướng dẫn thẩm duyệt thiết kế về PCCC hệ thống điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, cơ quan PCCC địa phương hướng dẫn thủ tục không nhất quán mà theo cách hiểu riêng làm cho quá trình thẩm định kéo dài (có trường hợp tới 9 tháng), phức tạp và thiếu minh bạch.

Từ những vướng mắc trong quá trình thực thi quy định pháp luật liên quan đến PCCC nêu trên, cộng đồng DN kiến nghị Cục Cảnh sát PCCC tham mưu với Bộ Công Thương quy định cụ thể việc áp dụng thẩm định PCCC đối với hệ thống năng lượng mặt trời và làm rõ hồ sơ cần lập, thẩm định trước khi áp dụng.

Đồng thời mong mỏi, các quy định liên quan đến PCCC cần có sự phù hợp với năng lực của nền kinh tế, đảm bảo sự phát triển của cộng đồng DN Việt Nam.

báo cáo về tình hình thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tháng 1 và tháng 2 năm 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nhắc tới những quy định về điều kiện kinh doanh là rào cản đối với doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực tế còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu minh bạch, bất hợp lý, trong đó có tình trạng công tác phòng cháy chữa cháy được siết chặt đối với hàng loạt ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Việc này được thực hiện sau khi một số vụ việc hỏa hoạn gây thương vong tại các cơ sở kinh doanh karaoke.

Cơ quan này cũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh; điều kiện quá khắc nghiệt và làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp.

Mặt khác, trong một thời gian dài, công tác kiểm tra về phòng cháy chữa cháy mang nặng tính hình thức, chiếu lệ nên khi có vụ việc xảy ra thì cơ quan quản lý phản ứng theo chiều hướng cực đoan. Gần đây, cơ quan công an thực hiện kiểm tra phòng cháy chữa cháy liên tục; nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không thể đáp ứng được các yêu cầu ngặt nghèo về phòng cháy chữa cháy. Thực trạng này ảnh hưởng xấu tới cơ hội sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; việc làm của người lao động và các hệ lụy xã hội khác.

Trong báo cáo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy; tháo gỡ ngay các bất cập trong quy định về phòng cháy chữa cháy để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất kiến nghị sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy chữa cháy đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; áp dụng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo mức độ rủi ro; giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

PV