Những hình ảnh đẹp về sự tu tập trong rừng của chư Tăng chùa Ba Vàng

16:33 09/11/2020

“Núi Thành Đẳng cảnh đẹp lưu danh muôn thuở. Chùa Bảo Quang cõi thiền hương ngát nghìn năm”

Chùa Ba Vàng không chỉ là nơi du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương trong và ngoài nước mà còn được chú ý bởi sự tu hành trang nghiêm của Tăng Ni, Phật tử. Sự tu hành ấy như nét đẹp của đóa hoa tinh khiết tỏa hương thơm đầy ý nghĩa trong cuộc đời.

Qua cái nhìn một chiều, nhiều người thường nghĩ chùa Ba Vàng giàu có, đời sống chư Tăng chắc sẽ đầy đủ tiện nghi. Nhưng không ngờ chùa xây dựng khang trang, tiện nghi nhằm phục vụ cho hàng nghìn người dân, Phật tử về chùa tu tập. Còn chư Tăng thì vào rừng tu khổ hạnh đầu đà như thời Đức Phật còn tại thế.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng từng chia sẻ: “Đối với Tăng, việc thiểu dục tri túc, biết đủ tu tập là vấn đề rất quan trọng. Biết thiểu dục tức là giữ giới. Chùa Ba Vàng đặt nặng việc rèn luyện chư Tăng. Cho nên, tại chùa có những khu biệt lập dành cho Tăng chúng tu học: Nội viện Tăng, Nội viện Ni và đặc biệt có rừng thiền để cho Tăng chúng tu tập và rèn chư Tăng vào khuôn khổ tu tập một cách rất nghiêm khắc. Bởi chùa Ba Vàng lấy chư Tăng làm gốc, làm hồn cốt của ngôi chùa. Chư Tăng đào tạo được thì mới giữ vững được Phật Pháp. Sau đó thì tiếp tục là việc hoằng dương Phật Pháp cho tín đồ Phật tử, quần chúng nhân dân. Thời Đức Phật, chư Tăng mới là người giữ gìn mạng mạch Phật Pháp để hoằng truyền Phật Pháp”.

Với chí nguyện “Trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh”, chư Tăng chùa Ba Vàng là những bậc đã cắt ái ly gia, không giữ tiền bạc, không vợ không con, ngày đêm thực hành hạnh thiểu dục tri túc với các Pháp đầu đà khổ hạnh: Ngày ăn một bữa, mặc ba tấm y rách rồi lại vá, tối ngủ ở rừng, nằm dưới gốc cây,... 

Bất kể ngày hay đêm, nắng nóng hay mưa giông, chư Tăng chùa Ba Vàng vẫn nghiêm túc thực hành Pháp. Có những ngày mưa trắng cả núi rừng, từng cơn gió rít qua khe núi mang theo cái lạnh thấu xương; chư Tăng vẫn miên mật tu hành, thức dậy thiền hành vào lúc đêm khuya, chiến đấu với ngoại cảnh khắc nghiệt.

Chư Tăng Ni chùa Ba Vàng đã thọ giới Tỳ-kheo đều phải ở trong rừng tu tập, không ai được ở chùa. Chỉ trừ khi chùa có Phật sự thì Tăng Ni mới được xuống núi để hỗ trợ các khóa lễ. 

Mỗi ngày cứ 9 giờ sáng, chư Tăng Ni từ trên núi về chùa khất thực (xin cơm), ngày ăn chỉ một bữa ngọ. Chân trần tự tại xuống bìa rừng xin cơm sau đó về núi thọ trai.

Chỗ ngủ nghỉ chỉ là vách lều được che tạm bợ bằng những cây tre ghim xuống đất và cột lại. Không được ngủ quá ba ngày một chỗ vì sợ tham đắm, mỗi chư Tăng có một tọa cụ, một tấm chăn để che thân, gió lạnh, mưa sa.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Đối với chúng Tỳ-kheo của chùa, các Thầy đang thực hành ngày ăn một bữa, trừ khi lao động nặng, vất vả thì uống thêm bột hoặc sữa. Còn bình thường ăn ngày một bữa, đêm ngủ trong rừng… Buổi tối, chúng Tỳ-kheo thực hành Pháp thiền định, tu tập trong rừng. Đây là việc tu tập của chúng Tăng không phải riêng ở chùa Ba Vàng mà có từ thời Đức Phật; chư Tăng thường ở trong rừng, ngủ dưới gốc cây. Thường vào trong rừng vì môi trường trong rừng rất tốt cho việc tu tập. Còn thực hành ăn ngày một bữa là đúng với tinh thần của Tỳ-kheo thời Đức Phật”.

Vậy nên, chứng kiến những bước chân chai sần, nứt nẻ bởi sỏi đá núi rừng, những tấm huỳnh y với nhiều miếng vá của chư Tăng chùa Ba Vàng; có lẽ nhiều người cảm thấy xúc động và cảm phục. 

Chùa Ba Vàng xây dựng khang trang, tiện nghi nhằm phục vụ cho hàng nghìn  người dân, Phật tử về chùa tu tập

Tăng đoàn chùa Ba Vàng “đầu trần chân đất” kinh hành trong rừng

Tăng đoàn ôm bát trì bình khất thực

“Nhà” của chư Tăng chùa Ba Vàng

Chư Tăng chùa Ba Vàng kinh hành trong đêm 

Đại đức Thích Trúc Thái Minh cùng Tăng đoàn thực hành thiền định trong rừng

Diệu Hồng