Những điểm cần lưu ý về trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu gỗ

09:25 19/10/2022

Khóa đào tạo do nhóm dự án GIZ kết hợp thực hiện qua Viforest xây dựng dành cho các nhà nhập khẩu gỗ Việt Nam vừa đưa ra những điểm cần lưu ý cho doanh nghiệp, nhà nhập khẩu gỗ khi thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định tại Hiệp định đối tác với Liên minh châu Âu và Nghị định 102.

Theo quy định tại Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) và Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ (quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam), mọi doanh nghiệp, nhà nhập khẩu gỗ đều phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ, bảo đảm tính minh bạch và tính hợp pháp của gỗ, bao gồm thu thập thông tin, đánh giá rủi ro và giảm thiểu bất kỳ rủi ro nào được xác định khi nhập khẩu gỗ.  

Ảnh minh họa
Doanh nghiệp nhập khẩu gỗ phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định tại hiệp định đối tác với Liên minh châu Âu và Nghị định 102. 

Preferred by Nature hướng dẫn, bước đầu tiên của doanh nghiệp nhập khẩu gỗ là tiếp cận thông tin liên quan đến chuỗi cung ứng. Sau đó, xem xét và đánh giá nguy cơ gỗ bất hợp pháp xâm nhập vào chuỗi cung ứng của họ, hoặc nguy cơ gỗ trong chuỗi cung ứng của họ là có nguồn gốc bất hợp pháp. 

Rủi ro được đánh giá dưới các cấp độ khác nhau: Cấp rừng, cấp độ chuỗi cung (nhà cung cấp) và rủi ro nguyên liệu bị trộn lẫn hoặc thay thế. Khi những rủi ro đã được xác định, doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro trước khi sản phẩm được mua bán. 

Doanh nghiệp đặc biệt lưu ý, mỗi chuỗi cung ứng có những rủi ro khác nhau, do đó, đòi hỏi lượng thông tin khác nhau. Tuy nhiên, với mục đích đánh giá rủi ro và giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp cần thu thập thông tin chi tiết tới mức mà sau đó có thể kết luận rủi ro thấp,nghĩa là nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc từ rừng. Đây là lý do tại sao doanh nghiệp phải lập bản đồ chuỗi cung ứng. 

Một câu hỏi phổ biến từ các nhà nhập khẩu gỗ đã thu thập rất nhiều tài liệu là “như vậy đã đủ chưa?”. Đây là câu hỏi sai, thay vào đó, doanh nghiệp nên hỏi “chúng ta có tài liệu đúng chưa?”. Và câu trả lời sẽ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và các tài liệu được cung cấp. 

Một điểm đáng lưu ý tiếp theo là để đánh giá rủi ro, doanh nghiệp nhập khẩu cần hiểu cách đặt tên loài cây. Chúng ta hay gọi tên loài gỗ với tên thông thường hay tên thương mại như gỗ keo, bạch đàn, lim…, tuy nhiên, theo yêu cầu khai báo của Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS), ngoài tên thông thường hay tên thương mại, nhà nhập khẩu phải nêu rõ tên khoa học của loài.

Điều này có nghĩa là việc sử dụng tên thông thường hay tên thương mại trong khai báo hải quan hay kê khai trách nhiệm giải trình là không đủ và không chính xác để đánh giá rủi ro của nguồn gốc gỗ.

Liên quan đến giấy phép FLEGT, khi nhận được thông tin hay tài liệu từ nhà cung cấp, để đảm bảo giấy phép đó là hợp lệ, doanh nghiệp nhập khẩu lưu ý kiểm tra xem quốc gia xuất xứ có đang có hệ thống cấp giấy phép FLEGT đang vận hành hay không. Nếu có thì doanh nghiệp cần phải tiếp tục kiểm tra xem sản phẩm đang mua có trong phạm vi áp dụng của VPA hay không. Nếu có thì tiếp tục kiểm tra hiệu lực giấy phép FLEGT đi kèm sản phẩm. Đảm bảo các yếu tố này thì rủi ro về nguồn gốc xuất xứ sẽ thấp, doanh nghiệp không cần thực hiện tiếp trách nhiệm giải trình. 

Các doanh nghiệp chú ý, hiện nay, Preferred by Nature đã phát triển Hệ thống Trách nhiệm giải trình cho doanh nghiệp nhập khẩu gỗ trên trang web https://preferredbynature.org/sourcinghub. Doanh nghiệp nhập khẩu gỗ được tải xuống miễn phí.

H.Anh